Sự bùng nổ và phủ sóng toàn cầu của Internet đã mang lại một làn sóng mới thay đổi cách thức kinh doanh của các doanh nghiệp và tổ chức trên thế giới. Trong đó, thương mại điện tử từ khi ra đời đã thu hút được sự quan tâm không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với các doanh nghiệp lớn nhỏ trên thị trường. Vì vậy, trong bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thương mại điện tử là gì cũng như những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại nhé!
Thương mại điện tử là gì?
Theo nghĩa hẹp:
Theo WTO: Thương mại điện tử (TMĐT) gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet nhưng được giao nhận cách hữu hình, cả sản phẩm giao nhận cũng như các thông tin số hóa qua mạng Internet.
Theo APEC: Thương mại điện tử là công việc kinh doanh được thực hiện thông qua truyền thông số liệu và công nghệ tin học kỹ thuật số.
Theo nghĩa rộng:
Theo Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAl): Thuật ngữ thương mại cần được diễn giải theo nghĩa rộng để bao quát các vấn đề phát sinh từ mọi quan hệ mang tính chất thương mại dù có hay không có hợp đồng. Các quan hệ có tính thương mại gồm các giao dịch sau: Bất cứ giao dịch nào về cung cấp hoặc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ, thỏa thuận phân phối, đại diện hoặc đại lý thương mại,….Theo đó, có thể thấy phạm vi hoạt động của TMĐT rất rộng, bao quát hầu hết các lĩnh vực hoạt động kinh tế gồm hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ của là phạm vi nhỏ.
Theo Ủy ban châu Âu: Thương mại điện tử được hiểu là việc thực hiện các hoạt động kinh doanh qua các phương tiện điện tử. Nó dựa trên việc xử lý và truyền dữ liệu điện tử dưới dạng text, âm thanh hoặc hình ảnh.
Các mô hình ứng dụng thương mại điện tử
Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B): Đây là loại hình giao dịch qua các phương tiện điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Theo đó, thương mại điện tử B2B chiếm tỷ trong lớn nhất. Các giao dịch B2B chủ yếu được thực hiện trên các hệ thống ứng dụng thương mại điện tử như mạng giá trị gia tăng, dây chuyển cung ứng hàng hóa, dịch vụ,…các doanh nghiệp có thể chào hàng, tìm kiếm bạn hàng, đặt hàng, ký kết hợp đồng qua các hệ thống này.
Giao dịch giữa doanh nghiệp với khách hàng (B2C): Đây là loại hình giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng qua các phương tiện điện tử. Doanh nghiệp sử dụng các phương tiện điện tử để bán hàng, dịch vụ đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng qua các phương tiện điện tử để lựa chọn, mặc cả, đặt hàng,….Giao dịch B2C tuy chiếm tỷ trọng ít nhưng có phạm vi ảnh hưởng rộng. Loại hình này đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Giao dịch giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước (B2G): Là loại hình giao dịch giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò là khách hàng. Quá trình trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước được tiến hành qua các phương tiện điện tử. Cơ quan nhà nước có thể tiến hành lập các website sau đó đăng tải các thông tin về nhu cầu mua hàng, tiến hành đấu thầu đầu hàng hóa, dịch vụ và lựa chọn nhà cung cấp trên website.
Giao dịch trực tiếp giữa các cá nhân với nhau (C2C): Là loại hình giao dịch giữa các cá nhân với nhau, sự phát triển của các phương tiện điện tử làm cho nhiều cá nhân có thể tham gia hoạt động thương mại với tư cách là người bán, người cung cấp dịch vụ. Loại hình này góp phần làm nên sự đa dạng cho thị trường.
Giao dịch giữa cơ quan nhà nước với cá nhân (G2C): Chỉ loại hình giao dịch giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, chủ yếu là các giao dịch mang tính hành chính nhưng có thể mang những yếu tố của TMĐT.
Vai trò của thương mại điện tử là gì?
Sự phát triển và phồn vinh của một nền kinh tế không chỉ dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động mà còn được quyết định bởi trình độ công nghệ thông tin và tri thức sáng tạo. Với xu thế đó, TMĐT xuất hiện đang làm thay đổi bộ mặt kinh tế thế giới với những ảnh hưởng to lớn sau:
TMĐT làm thay đổi tính chất nền kinh tế của quốc gia và kinh tế toàn cầu
Làm cho tính tri thức trong nền kinh tế tăng lên và tri thức thực sự trở thành nhân tố và nguồn lực sản xuất quan trọng nhất, là tài sản lớn nhất của mỗi doanh nghiệp.
TMĐT đã mở ra cơ hội phát huy ưu thế của các nước phát triển sau để họ có thể bắt kịp thậm chí là vượt các nước đã đi trước.
TMĐT góp phần xây dựng lại nền tảng, sức mạnh kinh tế đất nước và có tiềm năng thay đổi cán cân tiềm lực toàn cầu.
TMĐT cũng góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ tri thức giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển.
Lợi ích mà thương mại điện tử mang lại
Giúp khách hàng dễ dàng hơn khi lựa chọn sản phẩm mua hàng: Quảng cáo điện tử giúp khách hàng có những thông tin chính xác về cửa hàng gần nhất có mặt hàng đó, thời gian và cách kinh doanh của cửa hàng, thậm chí là gợi ý cách xem xét sản phẩm. TMĐT tạo ra nhiều cơ hội cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, khi TMĐT hoàn thiện và ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, khách hàng có thể so sánh để mua hàng dễ dàng và tiện lợi.
Lực lượng trung gian mới: Các doanh nghiệp có thể thông báo điện tử cho nhiều khách hàng tiềm ẩn về các mặt hàng mà họ quan tâm. Xu hướng tương tác trực tiếp giữa người mua và người bán ngày càng tăng là xu thế bất lợi đối với trung gian, TMĐT mở ra các loại hình trung gian mới về môi giới để thúc đẩy kinh doanh của doanh nghiệp.
Giảm chi phí: Giao dịch thương mại trên cơ sở dùng internet ít tốn kém hơn so với các mạng nội bộ chuyên dùng. Nó không chỉ tiết kiệm chi phí tiềm ẩn cho các doanh nghiệp lớn mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ có thể dùng các tiến trình điện tử và qua đó giảm bớt các khoản chi phí lớn không đáng có trong quá khứ. TMĐT giúp giảm chi phí bán hàng và tiếp cận cho doanh nghiệp từ đó khách hàng có thể mua hàng hóa với giá thấp hơn.
Nguồn dữ liệu phong phú: Với nguồn thông tin khổng lồ trên Internet với nhiều cách tiếp cận khác nhau tới thông tin thậm chí miễn phí và tự nhiên đến giúp các doanh nghiệp có cơ hội thuận lợi để nắm bắt thông tin. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để phát triển nền kinh tế.
Tạo điều kiện tiếp cận kinh tế số: Đối với một số quốc gia, TMĐT là động lực kích thích phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, một ngành mũi nhọn đóng góp chủ yếu vào hình thành nền tảng cơ bản của nền kinh tế thế giới mới. Đây là cơ hội để hội nhập kinh tế toàn cầu nhanh chóng và thuận lợi.
Thách thức và nguy cơ khi áp dụng thương mại điện tử
Về cơ sở hạ tầng công nghệ: Để triển khai TMĐT và triển khai thành công cần có một hạ tầng cơ sở CNTT vững chắc. Để đảm bảo các yêu cầu đó, hạ tầng cơ sở CNTT cần đảm bảo các điều kiện như tính tuân theo chuẩn, đạt tới độ ổn định cao,…Hạ tầng CNTT liên quan chặt chẽ với an toàn thông tin, vấn đề công nghệ là cốt lõi, vừa là thách thức khó vượt qua của phần còn lại của thế giới từ các nước phát triển.
Hạ tầng cơ sở nhân lực: TMĐT liên quan đến tất cả mọi người bởi đặc điểm thương mại và đặc điểm nền tảng công nghệ của nó. Để triển khai và thực thi TMĐT đòi hỏi mọi người tham gia thương mại phải có ý thức dần hình thành thói quen sử dụng nó, điều này cũng nói tới vai trò của giáo dục đào tạo. Yêu cầu đầu tiên là mọi người có thói quen sử dụng Internet và mua hàng qua mạng, tiếp theo là cần đội ngũ các nhà tin học đủ khả năng vận hành và nắm bắt các công nghệ phục vụ chung.
Bảo mật và an toàn: Việc giao dịch thương mại trên các phương tiện điện tử đặt ra đòi hỏi cao về bảo mật và an toàn,đặc biệt là trên Internet. Bản chất của TMĐT là gián tiếp, bên mua và bên bán ít biết hoặc thậm chí không biết nhau nên các giao dịch qua các kênh truyền thông không xác định được. Điều này dẫn đến những lo ngại riêng của người mua lẫn người bán.
Thanh toán tự động: Để TMĐT hoạt động cần có hệ thống thanh toán tự động, khi chưa có hệ thống thanh toán tự động, TMĐT chỉ sử dụng để trao đổi thông tin, quảng cáo tiếp thị,…các hoạt động thương mại chỉ kết thúc bằng hình thức thanh toán trực tiếp. Điểm đặc trưng của hệ thống thanh toán là đòi hỏi chế độ bảo mật cao nên các nghiên cứu và kết quả nghiên cứu nhằm vào lĩnh vực này ngày càng nhiều.
Bảo vệ sở hữu trí tuệ: Khi tham gia vào TMĐT, thông tin trở thành tài sản và bảo vệ tài sản cuối cùng là bảo vệ thông tin nên vấn đề đặt ra là bảo vệ sở hữu trí tuệ và bản quyền thông tin trên web. Đối với dung liệu, vấn đề đặt ra là bản thân việc số hóa nhị phân các dữ liệu văn bản, hình ảnh, âm thanh để hình thành dung liệu truyền gửi là hành động sao chép, phiên dịch và phải được tác giả đồng ý nhưng vì đưa lên mạng nên việc thỏa thuận và xử lý trở nên khó khăn hơn.
Bảo vệ người tiêu dùng: Trong TMĐT thông tin về hàng hóa đều là thông tin số, người mua không có điều kiện “xem thử”, “nếm thử” hàng trước khi mua nên khả năng mua phải những sản phẩm chất lượng thấp. Vì thế, đang xuất hiện nhu cầu phải có một trung gian bảo đảm chất lượng hoạt động hữu hiệu và ít tốn kém.
Trên đây là những thông tin cơ bản liên quan đến thương mại điện tử là gì cũng như những lợi ích không thể phủ nhận mà thương mại điện tử đã mang lại cho cá nhân, doanh nghiệp và hội nhập kinh tế toàn cầu. Hy vọng bài viết này của Luận Văn Beta đã mang lại cho các bạn những kiến thức hữu ích phục vụ cho quá trình tìm kiếm thông tin và tài liệu tham khảo của mình nhé.