Trang chủ Tài liệu chuyên ngành Thế Giới Quan Là Gì? Khái Niệm, Vai Trò Của Thế Giới Quan

Thế Giới Quan Là Gì? Khái Niệm, Vai Trò Của Thế Giới Quan

Đăng ngày
24 Tháng Hai, 2023

Thế giới quan và vai trò của thế quan đối với hoạt động lý luận và thực tiễn của con người đã được các nhà tư tưởng và triết gia quan tâm, đặc biệt đối với giới nghiên cứu khoa học. Hiểu được thế giới quan sẽ giúp chúng ta hiểu rõ sự vận hành của xã hội, kinh tế cũng như sự phát triển bản thân. Vậy, thế giới quan là gì và cấu trúc của thế giới quan như thế nào? Các bạn hãy cùng Luận Văn Beta tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

Lý luận chung về thế giới quan

Những cách tiếp cận về thế giới quan

Có nhiều nhóm quan điểm khác nhau về thế giới quan, cụ thể:

Nhóm thứ nhất xem thế giới quan trong mối quan hệ chặt chẽ với các quan điểm, học thuyết triết học. Các nhà nghiên cứu thế giới quan ở Liên Xô cũ tiến hành xem xét thế giới quan duy vật cổ đại, thế giới quan duy vật máy móc siêu hình và thế giới duy vật biện chứng,…từ đó nhấn mạnh vai trò của triết học trong sự hình thành thế giới quan. Theo đó, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử là cơ sở triết học của thế giới quan cộng sản.

Nhóm thứ hai nghiên cứu thế giới quan là đi vào xem xét lý luận và phương pháp của thế giới quan và nghiên cứu thế giới quan phản ánh hiện thực như thế nào. Trong đó, Vacilenko V.L nghiên cứu thế giới quan khoa học và những lý luận của nó trong chủ nghĩa xã hội để tìm ra quá trình hình thành thế giới quan cộng sản chủ nghĩa và vận dụng vào giáo dục con người. Ovtrinicop V.S xem thế giới quan là hiện tượng của đời sống tinh thần xã hội, phản ánh hiện thực xã hội.

Nhóm thứ ba nghiên cứu thế giới quan trong mối quan hệ với các ngành khoa học khác như nghiên cứu sinh vật học, khoa học tự nhiên, …

Như vậy, có thể xem thế giới quan là toàn bộ những quan niệm chung nhất cảu con người về thế giới quan về vị trí, bản thân và cuộc sống của con người trong thế giới đó, mối quan hệ của con người với thế giới,… từ đó định hướng hoạt động của từng người, của tập đoàn, một giai cấp hay cả xã hội đối với hiện thực.

Thế giới quan là vấn đề phức tạp nhưng các nội dung của nó đều phản ánh bản chất của thế giới, quy luật phát triển của xã hội, của thế giới bên trong và mối quan hệ của con người với thế giới bao hàm cả giá trị và định hướng.

the gioi quan la gi luanvanbeta
Thế giới quan là gì?

Cấu trúc của thế giới quan

Cấu trúc của thế giới quan được xem xét ở các góc độ khác nhau như sau:

Từ góc độ quá trình nhận thức của con người, thế giới quan được xem là một hiện tượng tinh thần, là sự tiến triển trong nhận thức cơ bản của con người về thế giới và gồm ba cấp độ cơ bản:

Bậc thang khởi điểm ở mức độ này là nhận thức cảm tính về thế giới. Tại đây, thế giới hình thành trong con người là thế giới cảm tính với những mặt riêng lẻ được hình thành trên kinh nghiệm và nhận thức cá nhân. Do đó, con người chỉ có quan niệm về một phần bức tranh của thế giới thông qua trực quan sinh động của họ.

Bậc thang tiếp theo là nhận thức lý tính về thế giới hay sự nhận biết và giải thích thế giới đặt trong tổng thể. Trực quan sinh động được thay bằng tư duy trừu tượng nên con người có quan niệm về một bức tranh thế giới trọn vẹn trên cơ sở khái quát, trừu tượng hóa cao.

Bậc thang cao nhất là sự tự nhận thức của cá nhân về thế giới. Ở đây, tính định hướng nhận thức của con người tác động đến hành vi từ đó xác định hệ thống giá trị, trình độ tư duy, thói quen trong hoạt động nhận thức và thực tiễn của cá nhân. Sự phát triển nhận thức về thế giới ở đây gắn với những quan hệ nhiều hướng, phức tạp và đan xen vào nhau của hiện thực và gắn chặt với những quan điểm chung nhất của con người về thế giới và vị trí của họ trong thế giới.

Từ góc độ thế giới quan cá nhân: cấu trúc thế giới quan gồm các yếu tố cơ bản như tri thức, niềm tin, quan niệm,….cuối cùng được biểu hiện qua hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người. Trong đó:

Tri thức: Là kết quả của hoạt động nhận thức, là mắt xích khởi điểm trong cấu trúc thế giới quan, là lĩnh vực hoạt động nghiên cứu để tạo ra sự hiểu biết mới về tự nhiên, xã hội và tư duy. Tri thức phải có tính khoa học để thực hiện nhiệm vụ cơ bản là mở rộng tầm nhìn của con người về thế giới.

Niềm tin: Đây là một hiện tượng đặc biệt của nhận thức, là chỗ dựa vững chắc của thế giới quan tạo ra sức mạnh mãnh liệt và ý nghĩa cuộc sống lớn lao cho con người. Để tạo lập niềm tin, con người  cần có một lượng tri thức, kinh nghiệm và yếu tố cảm xúc lồng vào. Niềm tin là một phần của đời sống tinh thần đóng vai trò cổ vũ to lớn cho con người trong lúc khó khăn.

Quan niệm: Là đặc trưng của ý thức tạo nên cốt lõi thế giới quan, là hạt nhân tinh thần của cá nhân, con người không có quan niệm là con người đánh mất cái tôi của mình. Quan niệm được sản sinh và phát triển trong quá trình giao tiếp, học hỏi ở tự nhiên, ở xã hội loài người, ở sự nắm bắt những nét đẹp văn hóa của toàn nhân loại và bám rễ rất chắc trong đời sống tâm tư, tình cảm của con người.

Mối quan hệ giữa thế giới quan với triết học và khoa học

Thế giới quan gắn chặt với những hình thức nhận định khác nhau, trong đó mối quan hệ đặc trưng nhất là giữa thế giới quan với triết học.

Triết học đóng vai trò là cơ sở lý luận cho thế giới quan, triết học và thế giới quan đềm tìm cách trả lời các vấn đề về thế giới trong tổng thể của nó, về vị trí của con người trong thế giới. Con người không thể có khái niệm triết học rõ ràng nhưng phải có thế giới quan vì nếu không có thế giới quan thì đã đánh mất cá nhân con người.

Sự hình thành của thế giới quan gắn với triết học, triết học diễn ra quan niệm của con người dưới dạng hệ thống các phạm trù, các quy luật giữ vai trò là những bậc thang trong quá trình nhận thức thế giới. Như vậy, triết học là trình độ tự giác trong quá trình hình thành và phát triển thế giới quan. Triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan, giữ vai trò định hướng cho quá trình hình thành và phát triển thế giới quan cho cá nhân và cộng đồng trong lịch sử.

Khoa học là cơ sở để phân biệt các dạng thế giới quan khác nhau. Thế giới quan là khoa học khi tri thức đóng vai trò nền tảng trong hệ thống quan điểm về thế giới. Trong nội dung này có 3 thế giới quan gồm thế giới quan khoa học, thế giới quan phản khoa học và thế giới quan không khoa học,… Kết quả hay tri thức của những khoa học riêng lẻ là cơ sở kiểm chứng và chứng minh tính đúng đắn hay sai lầm trong hệ thống quan điểm của con người về thế giới.

Vai trò của thế giới quan đối với hoạt động nhận thức và thực tiễn

Thế giới quan khoa học:

Chủ nghĩa duy vật biện chứng là cơ sở của thế giới quan khoa học: để hạn chế mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực và thỏa mãn nhu cầu hiểu biết và cải tạo thế giới, bắt thế giới phục vụ lợi ích của mình, con người cần xây dựng thế giới quan khoa học. Chủ nghĩa duy vật biện chứng thể hiện tính khoa học trong nhận thức về thế giới, là những tri thức khoa học về thế giới tự nhiên mà còn là chìa khóa để khám phá tự nhiên, tạo ra những phát minh mới cho các khoa học khác nhau.

Thế giới quan khoa học là thế giới quan cộng sản chủ nghĩa: Thế giới quan khoa học là thế giới quan cộng sản chủ nghĩa, ra đời thông qua những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống áp bức, bóc lột và bất cộng. Ý nghĩa tiến bộ và nhân đạo của nó gắn với mô hình về xã hội tương lai cho con người. Trong thực tiễn, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa một phần thể hiện ở việc xóa bỏ tình trạng người bóc lột người, xóa bỏ ách thống trị giai cấp, thống trị dân tộc,…

Vai trò của thế giới quan khoa học đối với hoạt động nhận thức

Thế giới quan khoa học có vai trò định hướng cho hoạt động nhận thức, từ đó giúp chúng ta nhận thức thế giới trong tổng thể thống nhất và tạo nên phẩm chất và các năng lực cần thiết để nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong hoạt động nhận thức.

Vai trò của thế giới quan đối với hoạt động thực tiễn

Thế giới quan là kim chỉ nam dẫn đường cho tự ý thức phát triển và là điều kiện để con người phát triển và hoàn thiện nhân cách bản thân, hướng nhân cách theo các yêu cầu của xã hội.Thế giới quan khoa học cũng là nền tảng để xây dựng giá trị mới phù hợp với chuẩn mực đạo đức nên có thể từ đó đánh giá đúng đắn các sự kiện bao quanh con người, hiểu được vị trí và giá trị của họ trong cuộc sống từ đó có thể giải quyết các công việc xã hội và các mối quan hệ hiệu quả và thích hợp. Từ đó sẽ tăng khả năng cống hiến cho xã hội, không hòa tan cá tính riêng của từng người mà phát triển song song với sự phát triển tập thể.

Thứ hai, với sự trợ giúp của thế giới quan khoa học để nắm các quy luật vận động trong đời sống để tổ chức cách thức sinh hoạt văn minh, lối sống khoa học và làm việc có hiệu quả. Việc nắm được các quy luật vận động của các lĩnh vực cơ bản của xã hội- lĩnh vực sản xuất vật chất sẽ giúp chúng ta làm quen với tổ chức đời sống kinh tế và có ý chí tự lập làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thứ ba,thế giới quan là người bạn duy lý giúp chúng ta kiềm chế nóng giận, bình tĩnh khắc phục khó khăn, từ thất bại rút ra kinh nghiệm cho bản thân để phấn đấu vươn lên sống lạc quan, sôi nổi và kiềm chế hành vi bột phát, tiêu cực.

Thứ tư, thế giới khoa học hướng nghiệp và giúp hoàn thành trách nhiệm của mình đối với xã hội được tốt hơn. Thế giới quan đúng đắn sẽ giúp chúng ta chọn được hướng đi tương lai cho cuộc đời mình.

Thứ năm, thế giới quan khoa học làm nảy nở lý tưởng cao đẹp trong tư duy và tình cảm của sinh viên. Khi hiểu và sẵn sàng bảo vệ lý tưởng cao đẹp của mình, các bạn sẽ tự cố gắng trau dồi nhân cách, không dao động trước cám dỗ, biết đấu tranh chống tệ nạn xã hội và suy đồi đạo đức.

Thế giới quan đóng vai trò quyết định đối với hoạt động nhận thức và thực tiễn nên hiểu rõ về khách quan thực trạng thế giới quan trong thực tiễn sẽ giúp chúng ta có suy nghĩ và hành động đúng đắn trong đời sống của mình từ đó xây dựng một xã hội văn mình, phát triển.

Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận