Du lịch đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của các quốc gia và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển. Do đó, để trở thành một trong những công cụ hiệu quả trong cuộc chiến chống đói nghèo, tạo ra nhiều việc làm, việc tạo nên các sản phẩm du lịch mới và đa dạng, độc đáo là yêu cầu cần thiết. Vậy, sản phẩm du lịch là gì và đa dạng hoá sản phẩm du lịch như thế nào, bài viết sau sẽ trả lời.
Khái niệm: Sản phẩm du lịch là gì?
Sản phẩm du lịch (Tiếng Anh: Tourism Product) được hiểu là những sản phẩm được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách du lịch. Để làm rõ khái niệm này, chúng ta sẽ xem xét từng định nghĩa: Sản phẩm là gì và sản phẩm du lịch là gì:
Khái niệm sản phẩm:
Theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9000:2000 thì sản phẩm là kết quả của một quá trình tập hợp các hoạt động có liên quan lẫn nhau hoặc tương tác với nhau để biến đổi đầu vào thành đầu ra.
Theo Kotler & Turner: Sản phẩm là tất cả những gì có thể cung cấp cho sự chiếm hữu, sự sử dụng hoặc tiêu thụ của một thị trường bao gồm những vật thể, những khoa học, những nhân vật hoặc nơi chốn nơi tổ chức và ý tưởng.
Khái niệm sản phẩm du lịch:
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về sản phẩm du lịch, bao gồm:
Luật du lịch: Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết nhằm thoả mãn nhu cầu của du khách trong suốt chuyến đi của mình. Các dịch vụ bao gồm dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển du khách,…Theo đó, sản phẩm du lịch đơn thuần là các hoạt động dịch vụ du lịch nhưng trên thực tế sản phẩm du lịch còn đa dạng và phong phú hơn.
Theo Michael M.Coltman: Sản phẩm du lịch là tổng thể gồm các thành phần không đồng nhất giữa hữu hình và vô hình, tính hữu hình được thể hiện cụ thể như thức ăn, đồ uống, sản phẩm lưu niệm còn tính vô hình thể hiện ở các dịch vụ du lịch, dịch vụ bổ trợ khác.
Theo cách tiếp cận du lịch hiện đại: Sản phẩm du lịch được xem như một trải nghiệm của du khách. Ngoài những điểm chung như cung cấp dịch vụ ăn, nghỉ, vận chuyển, tham quan,…thì việc tạo ra cho khách một trải nghiệm có giá trị là thành phần quan trọng của sản phẩm du lịch hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.
Như vậy, sản phẩm du lịch là tổng thể các yếu tố có thể nhìn thấy hoặc không nhìn thấy được làm thoả mãn nhu cầu khách du lịch trong hoạt động du lịch. Những tài nguyên thiên nhiên như bãi biển, núi sông, khí hậu,… và các cơ sở vật chất như khách sạn, nhà hàng,… bản thân chúng không phải là sản phẩm du lịch nhưng lại trở thành sản phẩm du lịch khi chúng được sử dụng phục vụ nhu cầu của du khách.
Các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch
Theo lý thuyết của Tổ chức Du lịch thế giới, có hai nhóm chính tạo nên bản chất của sản phẩm du lịch, bao gồm:
Các yếu tố tự nhiên: Bao gồm các điều kiện về khí hậu, tính hấp dẫn và đa dạng của tài nguyên du lịch và sự đa dạng về tài nguyên văn hoá lịch sử, khảo cổ, lòng hiếu khách của người địa phương, vị trí có khả năng tiếp cận tốt với thị trường mục tiêu,…
Nhóm các đặc điểm tự tạo: Bao gồm hệ thống giao thông tốt, có khả năng tiếp cận dễ dàng đến nhiều vùng khác nhau, có sân bay tương xứng, tập hợp khách sạn, khu du lịch cùng các tiện nghi lưu trú, các tiện nghi về thể thao, giải trí, khu mua sắm, vui chơi,…
Cả đặc điểm tự nhiên và đặc điểm tự tạo tập hợp lại với nhau và hình thành nên sản phẩm du lịch. Nội dung cơ bản của sản phẩm du lịch vô cùng phong phú liên quan đến nhiều ngành nghề nhưng xét về mặt ý nghĩa thì các bộ phận hợp thành có thể chia ra làm 3 yếu tố lớn là tài nguyên du lịch, cơ sở du lịch và dịch vụ du lịch. Dựa vào điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm du lịch hiện tại và khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch tại từng địa phương, từng tỉnh thành để có định hướng rõ ràng và biện pháp cụ thể xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch.
Phân loại các sản phẩm du lịch
Theo quan điểm quản lý vĩ mô: gồm 2 loại
Sản phẩm du lịch tổng thể: Là giá trị hoàn hảo của không gian tổng thể điểm du lịch sau khi đầu tư toàn diện các cấu thành của nó. Giai đoạn đầu, sản phẩm này chỉ tồn tại dưới dạng ý tưởng, mang tính chiến lược, được thiết lập bởi các nhà quản lý và hoạch định, là công cụ để quản lý kiểm soát sự phát triển những sản phẩm đơn lẻ nhằm tạo ra sự phát triển hài hoà và bền vững cho hệ thống sản phẩm du lịch.
Sản phẩm du lịch đơn lẻ: Gồm sản phẩm do ngành du lịch cung cấp như các loại hình dịch vụ du lịch tổng hợp hoặc dịch vụ du lịch đơn lẻ, sản phẩm do các ngành kinh tế khác cung cấp hoặc sản phẩm du lịch do cộng đồng dân cư cung cấp,…
6 Đặc trưng của sản phẩm du lịch là gì?
Sản phẩm du lịch là một loại sản phẩm đặc biệt không phải là một sản phẩm lao động cụ thể dưới hình thái vật chất mà là một sản phẩm vô hình được thể hiện qua các loại hình dịch vụ. Do đó, sản phẩm du lịch có đặc tính như sau:
Tính tổng hợp: Tính tổng hợp của sản phẩm du lịch được quyết định bởi tính xã hội của hoạt động du lịch và tính phức tạp của nhu cầu du lịch. Hoạt động du lịch tổng hợp nhiều mặt gồm hoạt động xã hội-kinh tế- văn hoá-chính trị,…và sự đa dạng của nhu cầu du khách gồm nhu cầu đời sống vật chất cơ bản và nhu cầu tinh thần ở cấp cao. Tính tổng hợp cũng thể hiện ở các cơ sở kinh doanh du lịch cung cấp các loại hình, dịch vụ du lịch và các dịch vụ bổ sung đi kèm để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Sản phẩm du lịch không thể dự trữ và dịch chuyển: Tính chất của sản phẩm du lịch cũng là một loại sản phẩm dịch vụ nên không thể dự trữ như các sản phẩm vật chất khác. Việc tiêu dùng sản phẩm du lịch diễn ra cùng lúc trong một thời gian và không gian nên du khách chỉ có thể sử dụng sản phẩm du lịch ở ngay nơi sản xuất mà không thể mang đi khỏi để sử dụng.
Dễ bị dao động: Quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm du lịch luôn chịu ảnh hưởng và hạn chế của nhiều nhân tố trong đó nếu chỉ thiếu một điều kiện cũng ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình trao đổi sản phẩm du lịch, ảnh hưởng đến việc thực hiện giá trị sản phẩm du lịch.
Tính thời vụ: Đặc tính này được thể hiện rõ qua việc tiêu thụ sản phẩm du lịch và mối quan hệ cung cấp. Trong khi nguồn cung sản phẩm du lịch diễn ra tương đối ổn định trong khoảng thời điểm nào đó thì nhu cầu sử dụng lại thường xuyên thay đổi trong cùng một thời điểm nên kéo theo việc cung vượt cầu và ngược lại.
Những yếu tố tác động đến việc xây dựng sản phẩm du lịch
Tiềm năng du lịch: Tài nguyên du lịch tự nhiên như địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, yếu tố về văn hoá, dân cư,… Số lượng và giá trị các tài nguyên du lịch, khả năng khai thác và thời gian khai thác mang lại những điều kiện quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch. Các yếu tố này vừa tham gia cấu thành chính và cũng tạo ra các điều kiện khác nhau của thực tế hình thành sản phẩm du lịch.
Nhu cầu các thị trường của khách: Thị trường là hết sức cần thiết, là đối tượng tiêu thụ sản phẩm du lịch nhưng với đặc điểm của ngành du lịch thì sản phẩm du lịch được tạo nên bởi sự tương tác giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ. Do đó, thị trường cũng tạo ra điều kiện cần thiết để hình thành sản phẩm du lịch, nhu cầu thị trường như thế nào, phù hợp với điều kiện khai thác tài nguyên nào sẽ là cơ sở nảy sinh ý tưởng và phương hướng phát triển sản phẩm du lịch.
Đường lối phát triển, chính sách và định hướng của Nhà nước và địa phương: Đây là cơ sở quan trọng để tạo ra những thuận lợi trong xây dựng sản phẩm du lịch. Nhiều chính sách phát triển tạo ra những cơ sở quan trọng cho phát triển nhiều loại sản phẩm du lịch so với các loại khác. Vì vậy, chính sách phát triển của mỗi quốc gia và địa phương tác động đến việc hình thành và phát triển sản phẩm du lịch.
Cơ sở vật chất kỹ thuật: Như cơ sở lưu trú, ăn uống, đường xá,…là những yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc cấu thành nên sản phẩm du lịch nhưng cũng là điều kiện cần thiết để hình thành nên đặc điểm của sản phẩm du lịch.
Tiềm lực xây dựng và vận hành sản phẩm: Mỗi quốc gia, địa phương hay doanh nghiệp sẽ có những khả năng khác nhau về trình độ, năng lực, tiềm lực để thực hiện quá trình xây dựng sản phẩm du lịch khác nhau. Để thực hiện ý tưởng xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch cần có năng lực tổ chức quản lý, khai thác tài nguyên du lịch và nguồn lực tài chính, nhân lực.
Đa dạng hoá sản phẩm du lịch là gì?
Hiểu một cách đơn giản, đa dạng hoá sản phẩm du lịch là quá trình phát triển, sáng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch từ những sản phẩm đã có từ trước hoặc nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới để tăng sức hấp dẫn, nâng cao sức mạnh cạnh tranh trên thị trường du lịch và thực hiện đa dạng hoá sản phẩm du lịch là xu hướng tất yếu khách quan đối với phát triển du lịch trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
Sản phẩm du lịch chủ yếu là dịch vụ có tính tổng hợp cao theo cơ sở của nhiều ngành nghề khác nhau và do đặc tính nữa nên khó xác định được chu kỳ sống. Do đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh, các nhà kinh doanh du lịch cần đưa ra chính sách đa dạng hoá sản phẩm du lịch, độc đáo hoá và đa dạng hóa sản phẩm bổ sung. Hơn nữa, do nhu cầu của du khách hàng càng đa dạng và sự cạnh tranh trong việc thu hút khách nên cần tiến hành nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới.
Điều kiện cơ bản để đa dạng hoá sản phẩm du lịch
Điều kiện bên trong, bao gồm:
Nguồn nhân lực: nguồn nhân lực là yếu tố quản lý, vận hành hoạt động du lịch, chủ thể lên kế hoạch và xây dựng, tổ chức thực hiện đa dạng hoá sản phẩm du lịch của doanh nghiệp. Việc phát triển du lịch phải mang dấu ấn của con người nên nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tiến hành đa dạng hoá sản phẩm du lịch.
Nguồn vật lực: Cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp trong đa dạng hoá sản phẩm và nguồn cung ứng nhân lực của doanh nghiệp,…là điều kiện quan trọng để có thể tiếp cận khai thác các tiềm năng tài nguyên du lịch và triển khai, tổ chức dịch vụ du lịch mới hấp dẫn.
Nguồn tài lực: Khả năng kinh tế của doanh nghiệp để tiến hành đa dạng hoá sản phẩm hoặc vốn đầu tư cho hoạt động đa dạng hoá sản phẩm du lịch là điều kiện rất cần thiết để doanh nghiệp có thể thực hiện mục tiêu chiến lược của mình.
Nhóm điều kiện bên ngoài, gồm:
Thị trường khách du lịch: Du lịch không thể tồn tại và phát triển nếu không có du khách nên thị trường khách là điều kiện tiên quyết hình thành “cung” du lịch tức là để hình thành hoạt động du lịch cần dựa vào “cầu” của khách du lịch trong từng giai đoạn để đưa ra các chiến lược đa dạng hoá sản phẩm du lịch để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.
Mối liên kết giữa nhà cung ứng cho hoạt động phát triển du lịch: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao nên việc liên kết du lịch giữa các địa phương và các ngành là xu thế tất yếu.
Môi trường chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội: Điều kiện về an ninh, chính trị và an toàn xã hội cho du khách là nhân tố quan trọng tạo nên sự thành bại cho du lịch. Để xây dựng chiến lược đa dạng hoá sản phẩm du lịch, doanh nghiệp cần nghiên cứu sao cho phù hợp với môi trường an ninh, chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của điểm đến.
Với vai trò ngày càng quan trọng của mình, du lịch đã và đang trở thành mục tiêu chiến lược trong chính sách phát triển kinh tế- xã hội của các quốc gia. Do nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe của du khách nên việc phát triển sản phẩm du lịch và đa dạng hoá sản phẩm du lịch là nhu cầu tất yếu để thu hút du khách trong điều kiện hiện nay. Hy vọng bài viết này đã mang lại những thông tin hữu ích cho các bạn, nếu có thắc mắc hay muốn tìm hiểu thêm về dịch vụ viết luận văn thuê mà Luận Văn Beta cung cấp, hãy liên hệ ngay với chúng tôi nhé.