Trang chủ Tài liệu chuyên ngành Quy Luật Lượng Chất: Khái Niệm, Nội Dung Quy Luật Lượng Và Chất

Quy Luật Lượng Chất: Khái Niệm, Nội Dung Quy Luật Lượng Và Chất

Đăng ngày
20 Tháng Mười Hai, 2022

Đối với các bạn sinh viên, khi tiếp cận với môn triết học sẽ được làm quen với nhiều quy luật nằm trong triết học Mác – Lênin, trong đó quy luật lượng chất là một trong ba quy luật cơ bản của phạm trù triết học mà chúng ta cần nắm rõ. Quy luật lượng chất tác động đến quá trình hình thành, chuyển hóa của sự vật và hiện tượng xung quanh đời sống xã hội của chúng ta. Vì vậy, hiểu rõ về quy luật này giúp chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề theo hướng khách quan, chủ động. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về khái niệm quy luật lượng chất là gì, nội dung của quy luật lượng chất cũng như trả lời một số câu hỏi liên quan đến quy luật này như: Quy luật lượng chất là gì? Quy luật lượng chất làm rõ vấn đề gì? ý nghĩa phương pháp luận của quy luật lượng và chất là gì?… Cùng tìm hiểu ngay bây giờ nhé!

Quy luật lượng chất là gì?

Khái niệm quy luật

Với tư cách là cái tồn tại trong hiện thực, quy luật thể hiện mối liên hệ về bản chất, tất nhiên, phổ biến và lặp lại giữa các mặt, các yếu tố và các thuộc tính bên trong mỗi sự vật hay giữa các sự vật, hiện tượng với nhau.

Các quy luật của tự nhiên, của xã hội hay của tư duy con người đều mang tính khách quan. Con người không thể tạo ra hoặc xóa bỏ được quy luật chỉ nhận thức và vận dụng nó trong thực tiễn.

Khái niệm chất và lượng

Khái niệm chất:

Chất là phạm trù triết học được dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, là sự thống nhất hữu cơ của các thuộc tính làm cho sự vật là nó chứ không phải là bất kỳ điều gì khác.

Chất của sự vật được hiểu hiện thông qua các thuộc tính của nó. Nhưng không phải bất cứ thuộc tính nào cũng biểu hiện chất của sự vật. Thuộc tính của sự vật sẽ có thuộc tính cơ bản và thuộc tính không cơ bản, trong đó thuộc tính cơ bản được tổng hợp lại tạo nên chất của sự vật. Các thuộc tính này quy định sự tồn tại, sự vận động và phát triển của sự vật, chỉ khi nào các thuộc tính này thay đổi hay mất đi thì sự vật mới có sự thay đổi hay mất đi.

Chất của sự vật được quy định bởi chất của các yếu tố tạo nên nó và phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo thành tức là bởi kết cấu của sự vật. Trong hiện thực các sự vật được tạo thành bởi các yếu tố như nhau, song chất của chúng sẽ khác nhau.

Khái niệm lượng:

Lượng là phạm trù triết học chỉ tính quy định vốn có của sự vật về mặt số lượng, quy mô, trình độ và nhịp điệu của sự vận động và phát triển cũng như các thuộc tính của sự vật.

Lượng là cái vốn có, song lượng chưa làm cho sự vật là nó, chưa làm cho nó khác với những cái khác, lượng tồn tại cùng với chất của sự vật và có tính khách quan  như chất của sự vật.

Sự phân biệt chất và lượng của một sự vật chỉ mang tính tương đối vì những tính quy định trong mối quan hệ này là chất của sự vật, nhưng nếu đặt trong mối quan hệ khác lại là biểu thị lượng của sự vật và ngược lại. Ví dụ: Số lượng học sinh giỏi nhất định của một lớp sẽ nói lên chất lượng học tập của lớp đó. Điều này tức là dù số lượng cụ thể quy định thuần túy về lượng song số lượng ấy cũng nói lên chất của sự vật.

quy luat luong chat la gi luanvanbeta
Khái niệm quy luật lượng chất là gì?

Mối quan hệ giữa sự thay đổi về lượng và sự thay đổi về chất

Thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất: Bất kỳ sự vật hay hiện tượng nào cũng là sự thống nhất giữa mặt chất và lượng và chúng có sự tác động qua lại lẫn nhau. Trong sự vật, quy định về lượng tồn tại khi có tính quy định về chất và ngược lại.

Sự thay đổi về lượng và chất của sự vật diễn ra cùng với sự vận động và phát triển của sự vật nhưng sự thay đổi này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau chứ không tách rời. Sự thay đổi về lượng ảnh hưởng đến sự thay đổi về chất và ngược lại. Sự thay đổi về lượng chưa thể làm thay đổi về chất ngay lập tức như khi đạt một giới hạn nhất định, lượng của sự vật thay đổi nhưng chất của sự vật chưa thay đổi cơ bản. Khi lượng của sự vật được tích lũy vượt quá giới hạn nhất định thì chất cũ sẽ mất đi và chất mới sẽ thay thế, giới hạn đó gọi là độ.

Độ là phạm trù triết học chỉ khoảng giới hạn mà ở đó sự thay đổi về lượng của sự vật chưa dẫn đến sự thay đổi căn bản của sự vật ấy. Độ là mối liên hệ giữa lượng và chất của sự vật ở đó thể hiện sự thống nhất giữa lượng và chất, trong độ, sự vật vẫn còn là nó chứ chưa biến thành cái khác.

Điểm nút là phạm trù triết học được dùng chỉ điểm giới hạn mà tại đó có sự thay đổi về lượng đủ để làm thay đổi về chất của sự vật.

Sự vật tích lũy đủ về lượng tại điểm nút sẽ tạo ra bước nhảy khiến chất mới ra đời.

Bước nhảy là phạm trù triết học chỉ sự chuyển hóa về chất của sự vật do sự thay đổi về lượng của sự vật trước đó tạo nên.

Sự phát triển của bất cứ sự vật nào cũng bắt đầu từ sự tích lũy về lượng trong độ nhất định cho đến điểm nút để tạo nên bước nhảy về chất.

Sự thay đổi về chất dẫn đến sự thay đổi về lượng: Chất mới của sự vật được tạo ra sẽ tác động trở lại lượng của sự vật, sự tác động này thể hiện ở chỗ: Chất mới có thể thay đổi kết cấu, quy mô, trình độ và nhịp điệu của sự vận động và phát triển của sự vật.

Ví dụ: khi sinh viên vượt qua điểm nút là kỳ thi tốt nghiệp tức là thực hiện bước nhảy, họ sẽ nhận được bằng cử nhân. Trình độ văn hóa của sinh viên cao hơn trước và tạo điều kiện để họ thay đổi kết cấu, quy mô và trình độ tri thức giúp họ tiến đến trình độ cao hơn.

Như vậy, không chỉ những thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất mà những thay đổi về chất cũng dẫn đến sự thay đổi về lượng.

Các hình thức phổ biến của bước nhảy

Bước nhảy để thực hiện sự chuyển hóa về chất của sự vật rất đa dạng và phong phú với những hình thức khác nhau. Những hình thức bước nhảy được quyết định bởi bản thân sự vật, bởi các điều kiện cụ thể trong đó sự vật thực hiện bước nhảy.

Dự theo nhịp điệu của bước nhảy mà phân ra 2 loại sau:

Bước nhảy đột biến: Là bước nhảy được thực hiện trong thời gian rất ngắn nhưng có thể làm thay đổi chất của toàn bộ kết cấu cơ bản của sự vật đó.

Bước nhảy dần dần: Là bước nhảy thực hiện một cách từ từ, từng bước bằng cách tích lũy dần những nhân tố của chất mới và những nhân tố của chất cũ dần dần mất đi.

Căn cứ vào quy mô thực hiện bước nhảy, có 2 loại:

Bước nhảy toàn bộ: là bước nhảy làm thay đổi chất của toàn bộ các mặt và yếu tố cấu thành của sự vật đó.

Bước nhảy cục bộ: Bước nhảy làm thay đổi chất của các mặt, các yếu tố riêng lẻ của sự vật.

Nội dung của quy luật chuyển hóa từ thay đổi về lượng thành thay đổi về chất và ngược lại như sau: Mọi sự vật đều có sự thống nhất giữa lượng và chất, sự thay đổi dần dần về lượng đến điểm nút sẽ tạo nên sự thay đổi về chất của sự vật thông qua bước nhảy, chất mới ra đời tác động trở lại làm thay đổi lượng mới lại có chất mới cao hơn,…Quá trình tác động đó diễn ra liên tục làm cho sự vật biến đổi không ngừng.

Ý nghĩa phương pháp luận của quy luật lương chất

Việc nghiên cứu quy luật chuyển hóa từ thay đổi về lượng tạo nên sự thay đổi về chất và ngược lại có thể rút ra các ý nghĩa phương pháp luận sau:

Sự vận động và phát triển của sự vật diễn ra thông qua sự tích lũy dần về lượng đến một thời gian nhất định, thực hiện bước nhảy để chuyển về chất. Do đó, trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của mình, con người phải biết từng bước tích lũy về lượng để làm nên sự biến đổi về chất theo quy luật. Trong hoạt động của mình từ xưa đến nay, ông cha ta đã rút ra những tư tưởng sâu sắc như: “tích tiểu thành đại”, “năng nhặt, chặt bị”,… Những việc làm vĩ đại của con người là sự tổng hợp của những việc làm bình thường của họ. Phương pháp này giúp chúng ta tránh được tư tưởng chủ quan, nôn nóng, đốt cháy giai đoạn để thực hiện bước nhảy liên tục.

Quy luật của tự nhiên và quy luật xã hội đều mang tính khách quan. Song quy luật tự nhiên diễn ra cách tự phát còn quy luật xã hội được thực hiện qua hoạt động có ý thức của con người. Do đó, khi đã tích lũy đủ số lượng phải có quyết tâm để thực hiện bước nhảy, phải kịp thời chuyển biến sự thay đổi về lượng thành thay đổi về chất, từ những thay đổi mang tính chất tiến hóa sang những thay đổi có tính chất cách mạng. Chỉ có như vậy mới khắc phục được tư tưởng bảo thủ, trì trệ biểu hiện ở chỗ coi sự phát triển chỉ là sự thay đổi về lượng đơn thuần.

Trong hoạt động của con người, chúng ta cần phải biết vận dụng các hình thức của bước nhảy một cách linh hoạt. Sự vận dụng này tùy vào việc phân tích đúng đắn những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, tùy theo từng trường hợp cụ thể, từng điều kiện cụ thể hay quan hệ cụ thể.Mặt khác, đời sống xã hội của con người rất đa dạng, phong phú bởi có nhiều yếu tố cấu thành nên để thực hiện bước nhảy toàn bộ cần thực hiện những bước nhảy cục bộ làm thay đổi về chất của từng yếu tố.

Sự thay đổi về chất của sự vật phụ thuộc vào sự thay đổi phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo thành sự vật. Vì vậy, trong hoạt động cần phải biết cách tác động vào phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo thành sự vật dựa trên cơ sở hiểu rõ bản chất, quy luật, kết cấu của sự vật đó. Ví dụ, trên cơ sở hiểu biết đúng đắn về gen, chúng ta có thể tác động vào phương thức liên kết giữa các nhân tố tạo thành gen làm cho nó biến đổi. Trong một tập thể, nếu cơ chế quản lý, lãnh đạo và quan hệ giữa các thành viên trong tập thể đó thay đổi có tính chất toàn bộ sẽ làm cho tập thể đó vững mạnh hơn.

Trên đây là những nội dung cơ bản liên quan đến quy luật lượng chất mà các bạn cần nắm. Việc nắm rõ quy luật và ý nghĩa của phương pháp này giúp chúng ta biết cách vận dụng vào đời sống thực tiễn và có những sự thay đổi đúng đắn về sự vật, hiện tượng theo hướng tích cực.

5/5 - (2 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận