Trang chủ Tài liệu chuyên ngành Nghiên Cứu Khoa Học Là Gì? Các Phương Pháp Nghiên Cứu Khoa Học

Nghiên Cứu Khoa Học Là Gì? Các Phương Pháp Nghiên Cứu Khoa Học

Đăng ngày
6 Tháng Mười Hai, 2022

Nghiên cứu khoa học hiện đang là một trong những hoạt động khoa học được đông đảo các bạn trẻ quan tâm và là xu hướng hoạt động học thuật được đề cao hiện nay. Những đề tài nghiên cứu khoa học chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của lĩnh vực đó trong xã hội sẽ được đánh giá cao. Vậy, nghiên cứu khoa học là gì và thực hiện nghiên cứu khoa học như thế nào? Chúng ta hãy cùng Luận Văn Beta khám phá thông qua bài viết dưới đây nhé.

Nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học là một thuật ngữ mà chúng ta rất hay bắt gặp không chỉ trong học tập mà con trong cuộc sống hàng ngày. Mọi người biết đến “nghiên cứu khoa học” như một điều hiển nhiên, thế nhưng để hiểu một cách sâu sắc bản chất khái niệm nghiên cứu khoa học là gì thì chắc hẳn không phải ai cũng có thể định nghĩa được. Trong phần này, Luận Văn Beta sẽ giúp bạn đọc hiểu một cách tường tận khái niệm nghiên cứu khoa học bằng cách tìm hiểu từng khái niệm có trong cụm từ này:

Khoa học là gì?

Khoa học được định nghĩa là quá trình nghiên cứu nhằm mục đích khám phá ra những kiến thức, những học thuyết mới về các lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Những kiến thức, học thuyết mới này có thể sẽ giúp thay đổi những kiến thức, học thuyết cũ không còn phù hợp. Như vậy, ta có thể hiểu khoa học là một hệ thống tri thức về quy luật của vật chất và sự vận động của vật chất; những quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy. Hệ thống tri thức này hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội.

Có hai hệ thống tri thức là tri thức khoa học và tri thức kinh nghiệm, cụ thể:

  • Tri thức khoa học: Là những hiểu biết được tích lũy một cách có hệ thống thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động nghiên cứu khoa học này được thực hiện một cách có mục tiêu xác định và có sử dụng phương pháp khoa học.
  • Tri thức kinh nghiệm: Bao gồm các hiểu biết của con người được tích lũy thông qua các hoạt động sống hàng ngày trong mối quan hệ giữa con người với con người và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Từ những hoạt động này, con người có khả năng nhận thức, hiểu biết về sự vật, về cách quản lý thiên nhiên và hình thành mối quan hệ giữa những con người trong xã hội.

Nghiên cứu khoa học là gì?

Nghiên cứu khoa học bao gồm các hoạt động tìm hiểu, quan sát, thực hiện thí nghiệm,…dựa theo những số liệu, tài liệu thu thập được để tìm ra bản chất, quy luật chung của sự vật và hiện tượng, phát hiện những kiến thức mới hoặc những ứng dụng kỹ thuật mới, mô hình mới có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống để đem lại hiệu quả cao hơn trong lĩnh vực đó.

Người thực hiện nghiên cứu khoa học cần đạt yêu cầu về những kiến thức nhất định liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu và phải có phương pháp làm việc độc lập. Vì vậy, khi các bạn sinh viên, học sinh thực hiện nghiên cứu khoa học cần luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng, lựa chọn đề tài phù hợp với khả năng của mình cũng như luôn có sự hướng dẫn, trợ giúp của giảng viên để không lan man.

nghien cuu khoa hoc la gi luanvanbeta
Nghiên cứu khoa học là gì?

Lợi ích của việc thực hiện nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học sẽ mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích khác nhau.

Trước hết, khi bắt tay vào việc làm nghiên cứu, bạn sẽ hình thành cho mình thái độ chủ động hơn trong học tập và tìm kiếm tài liệu cũng như thay đổi phương pháp học tập và tư duy logic hơn. Khi làm nghiên cứu, chúng ta sẽ biết cách phát hiện vấn đề và giải quyết nó cũng như nâng cao khả năng làm việc nhóm.

Bên cạnh đó, khi làm nghiên cứu khoa học, bạn cũng sẽ tạo cho mình một mạng lưới mối quan hệ đối với giảng viên hướng dẫn cũng như các bạn đồng hành. Điều này sẽ tạo tiền đề để tạo nên những mối quan hệ tốt sẽ đồng hành với các bạn trong chặng đường tiếp theo của mình.

Ngoài ra, nếu các bạn thực hiện nghiên cứu của mình hiệu quả, phát hiện và có phương pháp giải quyết vấn đề đang tồn tại xung quanh cuộc sống sẽ được đánh giá cao. Những đề tài hay và được đánh giá cao sẽ được đăng lên các tạp chí khoa học, tạp chí nghiên cứu,…sẽ giúp các bạn tạo ấn tượng đối với nhà tuyển dụng hay tạo tiền đề để các bạn phát triển con đường học thuật của mình tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đạt được, quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học cũng tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Vì vậy, các bạn cần cân nhắc những gì mình sẽ bỏ ra và kết quả mình nhận lại để đưa ra quyết định phù hợp với khả năng của bản thân.

Các phương pháp nghiên cứu khoa học

Phương pháp tổng quát

Phương pháp này gồm hai loại như sau:

Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm: Là phương pháp gồm các phương pháp quan sát, thí nghiệm thực nghiệm. Quan sát là phương pháp nghiên cứu để xác định thuộc tính và quan hệ của sự vật, hiện tượng riêng lẻ trong điều kiện tự nhiên vốn có của nó nhờ khả năng cảm thụ các giác quan, khả năng phân tích tổng hợp,…

Thực nghiệm, thí nghiệm là việc người nghiên cứu sử dụng các phương tiện vật chất tác động lên đối tượng nghiên cứu nhằm kiểm chứng các giả thuyết, lý thuyết khoa học để xây dựng giả thiết, lý thuyết khoa học mới.

Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Gồm các phương pháp khái quát, trừu tượng hóa, diễn dịch… Phương pháp này được dùng cho tất cả các ngành khoa học. Trong nghiên cứu lý thuyết, quá trình tìm kiếm phát hiện diễn ra thông qua tư duy trừu tượng, sử dụng các phương tiện ngôn ngữ, chữ viết,…nên phương pháp này giữ một vị trí cơ bản trong nghiên cứu khoa học xã hội- nhân văn. Nền tảng và điểm xuất phát của quá trình nghiên cứu lý thuyết là tri thức luận nên cần nắm vững hệ thống lý luận nền tảng.

Các phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể

Phương pháp phân tích và tổng hợp

Phân tích là phân chia cái toàn thể của đối tượng thành các bộ phận, những mặt và các yếu tố cấu thành giản đơn để nghiên cứu, phát hiện ra thuộc tính và bản chất của từng yếu tố đó. Từ đó, chúng ta hiểu được đối tượng mạch lạc hơn, hiểu được cái chung phức tạp từ các yếu tố bộ phận. Khi phân chia đối tượng, cần xác định tiêu thức để phân chia, chọn xuất phát điểm để nghiên cứu và tìm thuộc tính riêng và chung.

Bước tiếp theo là tổng hợp, tức là quá trình ngược với quá trình phân tích nhưng hỗ trợ cho quá trình phân tích để tìm ra cái chung nhất với các khái quát. Từ kết quả nghiên cứu từng mặt, cần tổng hợp để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn cái chung và tìm ra bản chất, quy luật vận động của đối tượng.

Phân tích và tổng hợp là hai phương pháp gắn bó chặt chẽ với nhau, quy định và bổ sung cho nhau trong nghiên cứu.

Phương pháp quy nạp và diễn giải

Phương pháp quy nạp là phương pháp mà người thực hiện đi từ những hiện tượng riêng lẻ, rời rạc và liên kết chúng với nhau để tìm ra bản chất của đối tượng. Cơ sở khách quan của phương pháp này là sự lặp lại của một số hiện tượng này hay hiện tượng khác do chỗ cái chung tồn tại, biểu hiện qua cái riêng. Phương pháp quy  nạp đóng vai trò trong việc phát hiện các quy luật, rút ra từ kết luận tổng quát đưa ra các giả thuyết.

Phương pháp diễn giải đi từ cái bản chất, nguyên tắc và nguyên lý đã được thừa nhận để từ đó tìm ra hiện tượng, biểu hiện, cái trùng hợp cụ thể trong sự vận động của đối tượng.

Phương pháp quy nạp và diễn giải là hai phương pháp nghiên cứu ngược chiều nhau nhưng có mối liên hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau trong mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng.

Phương pháp lịch sử và phương pháp logic

Phương pháp lịch sử: Là phương pháp nghiên cứu thông qua việc đi tìm bản chất và quy luật của đối tượng thông qua nguồn gốc phát sinh và quá trình phát triển của đối tượng.

Phương pháp logic: Là phương pháp nghiên cứu quá trình phát triển lịch sử, nghiên cứu các hiện tượng lịch sử trong hình thức tổng quát để vạch ra bản chất quy luật, khuynh hướng chung trong sự vận động của chúng.

Phương pháp lịch sử và phương pháp logic có tính thống nhất và có mục đích chung là phơi bày rõ chân lý khách quan của sự phát triển nên trong công tác nghiên cứu, chúng ta cần sử dụng linh hoạt các phương pháp để bổ sung, hoàn thiện cho nhau.

Quy trình thực hiện nghiên cứu khoa học

Bước 1: Chọn đề tài nghiên cứu

Đối với bước này, việc lựa chọn đề tài là việc đi tìm đối tượng nghiên cứu, vấn đề khoa học vô cùng phong phú nên việc xác định một vấn đề nghiên cứu cụ thể là điều không hề dễ. Khi xác định đề tài nghiên cứu, tác giả cần chú ý đến các yêu cầu về tính khoa học, tính mới, tính khả thi và tính thực tiễn của đề tài để chọn được đề tài phù hợp.

Bước 2: Tiến hành xác định câu hỏi, giả thuyết và các phương pháp nghiên cứu

Câu hỏi nghiên cứu là vấn đề mà người nghiên cứu muốn khám phá khi chọn đề tài nghiên cứu. Trong đó, tác giả cần quan tâm đến các giả thuyết- câu trả lời phỏng đoán. Tuy nhiên, các giả thuyết này cần dựa trên kết quả của các nghiên cứu trước đó hoặc quan điểm của tác giả với lượng giới hạn và chưa xác định đúng hay sai.

Ngoài ra, tác giả cũng cần xác định rõ phương pháp nghiên cứu dựa trên câu hỏi nghiên cứu và các điều kiện khách quan.

Bước 3: Lập đề cương nghiên cứu

Đề cương nghiên cứu là việc tác giả dự kiến các bước, các nội dung có trong nghiên cứu và bước tiến hành để được phê duyệt và là cơ sở để làm việc với các cộng sự và đồng nghiệp của mình. Lập đề cương là bước quan trọng, tạo ra sự chủ động trong quá trình nghiên cứu và giúp người thực hiện xác định đúng hướng đi cho mình để không bị lan man hay xa rời đề tài mà mình lựa chọn.

Bước 4: Tìm kiếm, thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu, thông tin

Các bạn cần thực hiện việc tìm kiếm, thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu để làm nền tảng cơ sở, nền tảng cho các giả thuyết mà tác giả đặt ra ban đầu và các đánh giá khách quan khác để bổ sung cho nhận định của mình.

Bước 5: Viết báo cáo nghiên cứu

Đây là bước cuối cùng để tác giả hoàn thành nghiên cứu của mình. Trong bước này, người thực hiện cần sử dụng văn phong phù hợp để mọi người có thể đọc hiểu dễ dàng. Khi viết xong, chúng ta cần kiểm tra, rà soát các lỗi chính tả, lỗi trình bày để bài báo cáo được đánh giá cao cả về mặt chất lượng lẫn hình thức trình bày.

Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học- công nghệ đã góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học ngày càng sôi nổi và cấp thiết hơn. Việc nắm rõ về nghiên cứu khoa học và cách thực hiện nghiên cứu khoa học chứng tỏ con người ngày càng có khả năng nhận thức thế giới khách quan.

5/5 - (2 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận