Trang chủ Tài liệu chuyên ngành Marketing Mix Là Gì? Tiến Trình Xây Dựng Chiến Lược Marketing Mix

Marketing Mix Là Gì? Tiến Trình Xây Dựng Chiến Lược Marketing Mix

Đăng ngày
22 Tháng Mười Hai, 2023

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì ngoài yếu tố sản phẩm, nhân lực thì việc thực hiện các chiến lược marketing-mix là vô cùng quan trọng. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về khái niệm marketing-mix là gì cũng như cách xây dựng một chiến lược marketing mix hiệu quả cho doanh nghiệp nhé.

Khái niệm Marketing mix là gì?

Hiện tại có nhiều quan niệm về marketing nhưng chúng ta có thể chia làm 2 quan niệm đại diện gồm quan niệm truyền thống và quan niệm hiện đại, cụ thể:

Quan niệm truyền thống: Theo đó, marketing gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến việc hướng dòng sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.

Quan niệm hiện đại cho rằng marketing là chức năng quản lý công ty liên quan đến tổ chức và quản lý toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ việc phát hiện ra cho đến việc biến đổi sức mua của người tiêu dùng thành nhu cầu thật sư về một sản phẩm cụ thể cho đến việc chuyển sản phẩm đó tới tay người tiêu dùng tối ưu nhất.

Khái niệm marketing được biểu hiện rõ ở sự chỉ dẫn hướng đến con đường lập kế hoạch, giúp doanh nghiệp phân tích và tối đa hóa lợi nhuận và làm thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Các kế hoạch marketing cần tạo sự cân bằng với các mục tiêu, nhu cầu tiêu thụ và khả năng nguồn lực tại doanh nghiệp.

Marketing-mix được hiểu là việc tập hợp các phương tiện (công cụ) marketing mà doanh nghiệp có thể phối hợp sử dụng để tạo nên sự đáp ứng cần thiết cho thị trường mục tiêu để có thể đạt được mục tiêu marketing của mình.

marketing mix la gi luanvanbeta
Khái niệm Marketing mix là gì?

Các vấn đề quan trọng trong marketing- mix

Sản phẩm: Là sự kết hợp “vật phẩm và dịch vụ’’ mà doanh nghiệp mang đến cho thị trường mục tiêu.

Giá cả: Là số tiền mà khách hàng cần bỏ ra để có được sản phẩm. Giá cả cần tương xứng với giá trị được cảm nhận ở vật phẩm cống hiến không thì người mua sẽ tìm mua của những nhà sản xuất khác.

Phân phối: Gồm các hoạt động khác nhau của doanh nghiệp để đảm bảo đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng mà doanh nghiệp hướng đến.

Truyền thông- cổ động: Bao gồm các hoạt động để hiểu rõ giá trị của sản phẩm và thuyết phục được khách hàng mục tiêu mua sản phẩm.

Những yếu tố quan trọng tác động đến marketing mix

Uy tín và vị trí của doanh nghiệp trên thị trường: Thông thường, khách hàng sẽ có tâm lý lựa chọn những nhãn hiệu sản phẩm mà họ quen dùng. Vì vậy, sự tín nhiệm của khách hàng đối với doanh nghiệp qua sự tín nhiệm đối với sản phẩm của doanh nghiệp càng lớn thì uy tín và vị trí của doanh nghiệp trên thị trường càng cao.

Tình huống thị trường: Sự hình thành và chuyển hóa từ hình thái thị trường này sang hình thái khác trong nền kinh tế đối với một loại hàng hóa nào đó sẽ tạo nên những tình huống kinh doanh khác nhau với những ứng phó không giống nhau giữa các nhà kinh doanh. Chẳng hạn, đối với loại sản phẩm ở giai đoạn này nằm trong hình thái thị trường độc quyền nhưng ở thời điểm khác có thể nằm trong hình thái thị trường cạnh tranh. Do đó, với từng tình huống cụ thể của thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải có những đối sách thích hợp cho sản phẩm của mình tham gia thị trường để thỏa mãn nhu cầu khách hàng và đạt được lợi nhuận.

Vòng đời sản phẩm: Một sản phẩm từ khi xuất hiện cho đến khi rút khỏi thị trường đều sẽ trải qua những giai đoạn nhất định. Nội dung hoạt động kinh doanh của sản phẩm ở mỗi giai đoạn khác nhau cũng sẽ khác biệt. Nếu doanh nghiệp nhận định sai về giai đoạn của vòng đời sản phẩm tất yếu dẫn đến việc xây dựng nội dung kinh doanh không đúng và đó đó sự thất bại là không thể tránh khỏi.

Tính chất của hàng hóa: Căn cứ vào tính chất của mỗi loại hàng hóa mà nhà kinh doanh sẽ có cách thức tổ chức những hoạt động kinh doanh thích hợp.

Tiến trình xây dựng chiến lược Marketing mix chi tiết

Phân tích môi trường Marketing

Môi trường marketing bao gồm môi trường vĩ mô và môi trường vi mô, cụ thể như sau:

Môi trường vĩ mô có:

Môi trường tự nhiên: cần xem xét các cơ hội và đe dọa liên quan đến các xu hướng chính trong sự biến đổi của môi trường tự nhiên, gồm có: sự khan hiếm của các nguồn nguyên liệu, mức độ ô nhiễm ngày càng tăng, sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền trong quản lý tài nguyên,…

Môi trường văn hóa- xã hội: Xã hội là nơi con người sinh ra và lớn lên, là môi trường hình thành các niềm tin cơ bản và giá trị của họ cũng như những tiêu chuẩn được xã hội thừa nhận và sẽ xác định mối quan hệ của họ với người khác. Môi trường gồm các đặc điểm tác động đến quyết định marketing như: tính bền vững của những giá trị cốt lõi, văn hóa đặc thù,…

Môi trường kinh tế: Gồm các tác nhân tác động đến sức mua của khách hàng và cách thức tiêu dùng. Người làm marketing cần lưu ý các xu hướng chính trong thay đổi thu nhập và các động thái thay đổi tiêu dùng của khách hàng đề có cách thức marketing phù hợp.

Môi trường chính trị- pháp luật: Các quyết định trong marketing sẽ chịu tác động mạnh mẽ từ các biến đổi trong môi trường chính trị và pháp luật như hệ thống pháp luật, sự phát triển của các nhóm bảo vệ lợi ích công cộng,…

Môi trường công nghệ: Môi trường công nghệ có tác động đa dạng đến quản trị marketing, có thể tạo ra cơ hội hoặc gây ra các mối đe dọa đối với việc đổi mới, thay thế sản phẩm,…

Môi trường vi mô

Doanh nghiệp: PHân tích doanh nghiệp theo tư cách là tác nhân thuộc môi trường vi mô, nhà quản trị sẽ xem xét vai trò của bộ phận marketing trong doanh nghiệp cũng như mối quan hệ và sự tác động của các bộ phận sản xuất, tài chính, nhân sự đến bộ phận marketing.

Nhà cung cấp: Nhà cung cấp có vai trò cung cấp nguyên vật liệu cần thiết cho việc sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp và đối thủ cạnh tranh. Cần quan tâm đến mức độ đáp ứng của nhà cung cấp về nhu cầu các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp ảnh hưởng đến khả năng phục vụ khách hàng. Theo đó,doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ lâu dài với những nhà cung cấp chính và làm marketing với các nhà cung cấp để mua được nguồn nguyên liệu cần thiết.

Khách hàng: Công ty cần nghiên cứu thị trường khách hàng của mình kỹ lưỡng theo 5 loại thị trường khách hàng sau: thị trường người tiêu dùng, thị trường kỹ nghệ, thị trường người bán lại, thị trường chính quyền và các tổ chức phi lợi nhuận, thị trường quốc tế.

Đối thủ cạnh tranh: Đây là nội dung quan trọng và là cơ sở để hoạch định chiến lược. Để cạnh tranh hiệu quả, doanh nghiệp cần giữ bốn mức độ cơ bản trong tư duy trong việc định vị thị trường.

Lựa chọn thị trường mục tiêu

Đo lường và dự đoán nhu cầu thị trường: Đo lường thị trường qua việc ước lượng tổng nhu cầu thị trường, nhu cầu thị trường khu vực, doanh số và thị phần. Còn việc dự đoán nhu cầu thị trường sẽ bao gồm dự đoán nền kinh tế vĩ mô,

Phân đoạn thị trường: Là việc phân chia thị trường tổng thể thành các đơn vị nhỏ khác biệt nhau với sự đồng nhất trong nhu cầu, đặc tính, hành vi ứng xử của khách hàng. Việc phân đoạn giúp sự nghiệp kinh doanh của doanh nghiệp an toàn hơn vì nó giúp doanh nghiệp biết tập trung nỗ lực của mình đúng thị trường, xây dựng một tư cách riêng, hình ảnh riêng và nhất quán để khai thác hiệu quả khả năng vốn có của doanh nghiệp.

Lựa chọn thị trường mục tiêu: Tức là một nhóm khách hàng mà chương trình marketing của doanh nghiệp nhắm vào.

Định vị sản phẩm trên thị trường mục tiêu: Là việc thiết kế sản phẩm và hình ảnh công ty để thị trường mục tiêu hiểu được và đánh giá cao những gì công ty đại diện so với đối thủ cạnh tranh. Để định vị được, doanh nghiệp cần dựa trên cơ sở hiểu biết rõ thị trường mục tiêu định nghĩa giá trị như thế nào và lựa chọn người bán.

Xây dựng chiến lược Marketing-mix trên thị trường mục tiêu

Marketing-mix là chức năng quan trọng của tiến trình hoạch định marketing, nhằm thực hiện chiến lược marketing đã được xác định trên cơ sở phân tích và phát huy tối đa cơ hội marketing cũng như các lợi thế cạnh tranh khác nhau. Gồm có:

Chính sách sản phẩm: Đây là biến số quan trọng để thực hiện chiến lược kinh doanh và chiến lược marketing-mix. Thực hiện tốt chính sách này sẽ giúp tạo uy tín và khả năng cạnh tranh giành khách hàng cho doanh nghiệp. Bao gồm các quyết định như danh mục và loại sản phẩm, tính thống nhất, nhãn hiệu,…

Chính sách giá: Giá cả là yếu tố duy nhất trong marketing-mix để tạo ra doanh thu nên cực kỳ quan trọng. Chính sách giá tốt về lâu dài không những đem lại lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp mà còn là vũ khí sắc bén để cạnh tranh, là phương tiện để đạt được mục tiêu marketing và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính sách phân phối: Là một công cụ then chốt trong marketing- mix, là tập hợp các cá nhân hay cơ sở kinh doanh phụ thuộc lẫn nhau liên quan đến quá trình tạo ra và chuyển sản phẩm hay dịch vụ từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Ngày nay, hầu hết doanh nghiệp đều cung cấp sản phẩm cho thị trường qua trung gian phân phối và tạo thành một kênh phân phối. Vì vậy, doanh nghiệp cần quan hệ, liên kết với một số tổ chức, lực lượng bên ngoài để đạt được mục tiêu phân phối của mình.

Chính sách truyền thông- cổ động: Thông tin truyền thông đến khách hàng thường trải qua nhiều giai đoạn bằng những phương tiện truyền thông khác nhau dưới những hình thức thông đạt khác nhau bởi những người truyền thông khác nhau như quảng cáo, marketing trực tiếp, khuyến mãi,…

Có thể nói rằng, marketing mix là yếu tố cơ bản tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp nên tất cả các doanh nghiệp dù hoạt động ở lĩnh vực nào cũng cần quan tâm đến việc xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách marketing-mix để tồn tại và phát triển bền vững. Thông qua bài viết này, Luận Văn Beta hy vọng đã mang đến cho các bạn những thông tin và kiến thức hữu ích về khái niệm marketing-mix là gì cũng như các bước xây dựng chiến lược marketing-mix hiệu quả.

Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận