Trang chủ Tài liệu chuyên ngành Kinh Doanh Quốc Tế Là Gì? Cơ Sở Lý Luận Về Kinh Doanh Quốc Tế

Kinh Doanh Quốc Tế Là Gì? Cơ Sở Lý Luận Về Kinh Doanh Quốc Tế

Đăng ngày
6 Tháng Năm, 2024

Ngày nay, khi sự hội nhập sâu rộng trong khu vực và quốc tế ngày càng trở nên rộng mở thì xu hướng phát triển kinh doanh quốc tế càng được đẩy mạnh. Kinh doanh quốc tế đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như cung cấp nhân công giá rẻ, thị trường rộng lớn và lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà doanh nghiệp khó lường trước được. Để thực hiện kinh doanh quốc tế, chúng ta phải thực sự hiểu khái niệm này là gì và những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này.

Khái niệm kinh doanh quốc tế là gì?

Kinh doanh quốc tế là tổng hợp toàn bộ các giao dịch kinh doanh vượt ra khỏi biên giới của hai hay nhiều quốc gia. Những người tiêu dùng, công ty và tổ chức tài chính và chính phủ đều có những vai trò nhất định trong hoạt động kinh doanh quốc tế.

Hoạt động kinh doanh quốc tế được hình thành từ rất sớm, khoảng cuối thế kỷ 16 nhưng đến những năm 90 thì lĩnh vực kinh doanh này mới phát triển mạnh và lan tỏa trên toàn cầu. Kinh doanh quốc tế xuất hiện rất sớm với quá trình giao lưu trao đổi, mua bán hàng hoá giữa hai hay nhiều quốc gia. Cùng với sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản, kinh doanh quốc tế và các hình thức kinh doanh quốc tế ngày càng được mở rộng và phát triển.

Ngày nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của các xu hướng vận động của kinh tế thế giới, đặc biệt là sự tác động ngày càng tăng của xu hướng khu vực hoá và toàn cầu hoá, nền kinh tế từng quốc gia và thế giới, hoạt động kinh doanh quốc tế và hình thức kinh doanh quốc tế ngày càng đa dạng và trở thành một trong những nội dung cực kỳ quan trọng trong quan hệ quốc tế hiện đại. Kinh doanh quốc tế là một hoạt động hấp dẫn, thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa nghệ thuật kinh doanh và các yếu tố khác của từng quốc gia, quốc tế như luật pháp, kinh tế, văn hoá.

Các chủ thể tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế

Các doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ: Các công ty nhỏ ngày càng tham gia tích cực vào hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Dưới tác động của đổi mới công nghệ đã gỡ bỏ những trở ngại thực tế đối với hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi các kênh phân phối truyền thống thường chỉ cho phép các công ty lớn thâm nhập thị trường nước ngoài thì việc phân phối mạng điện tủ là giải pháp tiết kiệm và có hiệu quả cao đối với doanh nghiệp nhỏ.

Công ty đa quốc gia: Các công ty này rất khác nhau về quy mô và các đơn vị kinh doanh của những công ty quốc tế lớn có thể hoạt động một cách độc lập hoặc như những bộ phận của một mạng toàn cầu liên kết chặt chẽ. Hoạt động độc lập được lựa chọn khi công ty có sự am hiểu về văn hoá địa phương và có khả năng nhanh chóng đối với những biến động trên thị trường địa phương. Với những công ty hoạt động với tư cách là hệ thống toàn cầu thường cảm thấy dễ dàng hơn trong việc phản ứng lại những biến động bằng cách di chuyển sản xuất, tiến hành marketing và các hoạt động khác giữa các đơn vị kinh doanh ở các nước.

Vai trò của hoạt động kinh doanh quốc tế

Kinh doanh quốc tế giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thoả mãn nhu cầu và lợi ích của họ về trao đổi sản phẩm, vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến. Kinh doanh quốc tế giúp cho các quốc gia tham gia sâu rộng vào quá trình liên kết quốc tế, phân công lao động xã hội và hội nhập vào thị trường toàn cầu.

Hoạt động kinh doanh quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động tham gia và tích cực vào sự phân công lao động quốc tế và trao đổi mậu dịch quốc tế từ đó làm cho nền kinh tế quốc gia trở thành hệ thống mở, tạo cầu nối giữa kinh tế trong nước với kinh tế thế giới.

Tham gia vào thị trường thế giới còn giúp cho các doanh nghiệp khai thác triệt để các lợi thế so sánh của mỗi quốc gia, đạt quy mô tối ưu cho mỗi ngành sản xuất, tạo điều kiện xây dựng các ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hạ giá thành,…

Hoạt động kinh doanh quốc tế được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như thông qua các lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh quốc tế tăng thu ngoại tệ để tăng nguồn vốn dự trữ, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước.

Mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế, tăng cường hợp tác về kinh tế, khoa học và chuyển giao công nghệ giúp cho các quốc gia có kinh tế kém phát triển có cơ hội cải tiến lại cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tạo cơ hội cho việc phân phối các nguồn lực trong nước và thu hút nguồn lực bên ngoài vào việc phát triển lĩnh vực, các ngành của nền kinh tế quốc dân hiệu quả, khắc phục tình trạng thiếu các nguồn lực cho sự phát triển đất nước như vốn, nhân lực trình độ cao,…

Mặt khác, chỉ có thông qua lĩnh vực hoạt động của kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp việt mới có thể tiếp thu kiến thức marketing, mở rộng thị trường trong kinh doanh thương mại quốc tế, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Hơn nữa, thị trường nước ngoài có thể cung cấp cho thị trường nội địa các yếu tố của quá trình sản xuất từ đó nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Cơ sở hình thành hoạt động kinh doanh quốc tế

Mở rộng phạm vi thị trường kinh doanh: Thị trường nội địa luôn bị giới hạn về sức mua, nhu cầu nên việc vươn ra thị trường nước ngoài, mở rộng phạm vi tiêu thị hàng hoá còn có tác dụng giúp cho các doanh nghiệp mở rộng khối lượng cung ứng hoặc tiêu thụ, từ đó tạo ra điều kiện cho doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao hơn. Vì vậy, việc mở rộng cung ứng hoặc tiêu thụ là một động cơ chủ yếu đối với doanh nghiệp khi tham gia thực hiện hoạt động kinh doanh quốc tế.

Tìm kiếm các nguồn lực nước ngoài: Để có thêm nguồn lực mới buộc các doanh nghiệp phải vươn ra các nguồn lực bên ngoài như nhân công dồi dào và giá ẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn, nguyên vật liệu phong phú,…là những nguồn lợi lớn mà các doanh nghiệp hướng tới nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Mở rộng và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh: các doanh nghiệp thường mong muốn làm sao để tránh được biến động thất thường của doanh số mua, bán và lợi nhuận. Vì vậy, họ nhận thấy rằng thị trường nước ngoài và việc mua bán hàng hoá ở đó như một biện pháp quan trọng giúp họ tránh được những đột biến xấu trong kinh doanh. Việc đa dạng hoá hình thức và phạm vi kinh doanh giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực trong khuôn khổ một quốc gia.

Đặc trưng của hoạt động kinh doanh quốc tế

Hoạt động kinh doanh quốc tế diễn ra ở hai hoặc nhiều quốc gia và được thực hiện trong môi trường kinh doanh mới và xa lạ. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh không thể lấy kinh nghiệm kinh doanh nội địa áp đặt hoàn toàn cho kinh doanh nước ngoài.

Các doanh nghiệp muốn tiến hành kinh doanh ở môi trường nước ngoài hiệu quả, phải nghiên cứu, đánh giá môi trường kinh doanh nơi doanh nghiệp muốn thâm nhập hoạt động. Sự khác nhau giữa kinh doanh quốc tế và kinh doanh nội địa gồm:

Kinh doanh quốc tế là hoạt động kinh doanh diễn ra giữa các nước còn kinh doanh nội địa chỉ diễn ra trong nội bộ quốc gia và giữa các tế bào kinh tế của quốc gia đó.

Kinh doanh quốc tế thực hiện ở nước ngoài nên các doanh nghiệp sẽ gặp phải nhiều rủi ro hơn so với kinh doanh nội địa.

Kinh doanh quốc tế buộc phải diễn ra trong môi trường kinh doanh mới và xa lạ nên các doanh nghiệp phải thích ứng để hoạt động đạt hiệu quả.

Kinh doanh quốc tế tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận bằng cách mở rộng phạm vi thị trường và điều này khó đạt được nếu doanh nghiệp chỉ kinh doanh trong nước.

Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh quốc tế

Điều kiện phát triển kinh tế

Sự tăng trưởng các hoạt động kinh doanh nói chung và kinh doanh quốc tế nói riêng phụ thuộc nhiều vào sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu. Khi thu nhập của dân cư tăng, điều kiện sinh hoạt được cải thiện do kinh tế tăng trưởng thì nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng đòi hỏi phải được đáp ứng. Những điều kiện kinh tế tác động mạnh đến khối lượng buôn bán, đầu tư,…hàng năm. Sự gia tăng buôn bán và đầu tư có xu hướng biến đổi nhanh hơn so với sự biến đổi nền kinh tế nên sự thay đổi về mức sống ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ hàng hoá lưu chuyển quốc tế.

Sự phát triển khoa học – công nghệ

Sự tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay đang thúc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế ở từng quốc gia, làm cho nhiều quốc gia chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ làm xuất hiện sản phẩm mới thay thế những sản phẩm đã cũ và thay đổi vị trí của từng quốc gia, doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh quốc tế.

Điều kiện chính trị, xã hội và quân sự

Sự ổn định hay bất lợi về chính trị, xã hội là những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hay kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hệ thống chính trị và các quan điểm chính trị xã hội xét đến cùng tác động trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực, mặt hàng,…đối tác kinh doanh. Các cuộc xung đột lớn hay nhỏ về quân sự trong nội bộ quốc gia hay giữa các quốc gia dẫn đến sự thay đổi về các mặt hàng sản xuất.

Sự hình thành các liên minh kinh tế

Việc hình thành các khối liên kết về kinh tế, chính trị, quân sự góp phần làm tăng hoạt động kinh doanh buôn bán và đầu tư giữa các quốc gia thành viên trong khối, giảm tỷ lệ mậu dịch với các nước không phải là thành viên. Để khắc phục hạn chế này, các quốc gia thành viên trong khối thường tiến hành ký kết với các quốc gia ngoài khối các hiệp định, thỏa ước để từng bước nới lỏng hàng rào “vô hình” tạo điều kiện kinh doanh quốc tế phát triển.

Đây là những nội dung căn bản liên quan đến kinh doanh quốc tế mà các bạn cần biết để có thể tiến hành hình thức kinh doanh này hoặc nghiên cứu học tập. Hy vọng bài viết đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích và cần thiết phục vụ quá trình tìm hiểu của mình nhé.

5/5 - (1 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận