Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người cần được thoả mãn những nhu cầu của mình từ ăn uống, sinh tồn, nghỉ ngơi cho đến giải trí, thư giãn,…Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của xã hội đã giúp con người hướng đến những nhu cầu cao hơn cho mình là nhu cầu hưởng thụ nổi bật với hoạt động du lịch. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, xu hướng hiện nay là du lịch bền vững. Để hiểu rõ về chủ đề này, chúng ta cùng đọc qua bài viết sau của Luận Văn Beta nhé.
Khái niệm Du lịch bền vững là gì?
Về bản chất, du lịch coi trọng những thứ quý giá trên thế giới của chúng ta: cảnh quan tuyệt đẹp, động vật hoang dã, lịch sử, văn hóa và con người. Nó có thể là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của nền kinh tế địa phương, mang lại việc làm, cơ hội cho doanh nghiệp và nguồn vốn cho việc bảo tồn. Tuy nhiên, ở bất cứ nơi nào nó diễn ra, du lịch có thể và thường xuyên gây ra những tác động tiêu cực đến cộng đồng và môi trường: mất nhà ở, mất khả năng tiếp cận đất đai và tài nguyên, tình trạng quá tải, ô nhiễm, phá hủy hệ sinh thái và hủy hoại di sản văn hóa. Chính vì thế, “du lịch bền vững” là thuật ngữ được quan tâm trong những năm trở lại đây. Trên thế giới, nhiều định nghĩa về du lịch bền vững (Tiếng Anh: Sustainable Tourism) đã được đưa ra:
Theo Luật du lịch Việt Nam: Du lịch là các hoạt động liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình để đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí hoặc nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo WTO: Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch để đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến công tác bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai.
Theo điều 1 Hiến chương Phát triển du lịch bền vững của Tây Ban Nha: Du lịch bền vững là đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch trên cơ sở đảm bảo hài hoà các phúc lợi kinh tế-xã hội và môi trường.
Du lịch bền vững được định nghĩa theo một số cách như sau:
Theo Machado (2003): Du lịch bền vững là các hình thức du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch, ngành du lịch và cộng đồng địa phương nhưng không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. Du lịch khả thi về kinh tế nhưng không phá huỷ tài nguyên mà tương lai của du lịch phụ thuộc vào đó, đặc biệt là môi trường tự nhiên và kết cấu xã hội của cộng đồng địa phương.
Theo Hội đồng du lịch và Lữ hành thế giới: Du lịch bền vững là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn đảm bảo những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới: Du lịch bền vững là việc phát triển các oạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn nhu cầu kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và hệ thống hỗ trợ cuộc sống con người.
Phân biệt giữa phát triển du lịch bền vững và du lịch đại chúng
Du lịch đại chúng không được lập kế hoạch cẩn thận cho việc nâng cao công tác bảo tồn hoặc giáo dục, không mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương và có thể phá huỷ nhanh chóng các môi trường nhạy cảm. Kết quả có thể là phá huỷ hoặc làm thay đổi một cách không thể nhận ra được các nguồn lợi và văn hoá mà chúng phụ thuộc vào.
Ngược lại, du lịch bền vững được lập một cách cẩn thận từ lúc bắt đầu để mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương, tôn trọng văn hoá,…Du lịch bền vững có thể tạo ra một lợi tức tương tự như du lịch đại chúng nhưng có nhiều lợi ích được nằm lại với cộng đồng địa phương và các nguồn lợi tự nhiên.
Trong nhiều trường hợp, các hoạt động du lịch đại chúng trong quá khứ có thể mang đến những tác động xấu đến bảo tồn biển do thiếu các điều kiện quản lý và cơ chế lập kế hoạch hiệu quả. Ngược lại, du lịch bền vững có những kế hoạch được suy nghĩ cẩn thận để giảm thiểu các tác động xấu của du lịch và đóng góp vào công tác bảo tồn và sức khỏe cộng đồng cả về kinh tế lẫn xã hội.
Các lợi ích của phát triển du lịch bền vững
Lợi ích kinh tế: Du lịch bền vững đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng và tạo ra những thu thập công bằng và ổn định cho cộng đồng địa phương và càng nhiều bên liên quan khác càng tốt. Nó mang lại lợi ích cho người chủ, nhân viên và cả người xung quanh. Việc thực hiện kinh doanh du lịch trong nhiều cashc có thể không phá huỷ nguồn lợi tự nhiên, văn hoá và kinh tế nhưng cũng khuyến khích đánh giá cao những nguồn lợi mà du lịch phụ thuộc.
Lợi ích văn hoá- xã hội: Tôn trọng văn hoá và truyền thống của địa phương và khuyến khích các bên liên quan trong tất cả các giai đoạn của việc lập kế hoạch, phát triển và giám sát cũng như giáo dục các bên liên quan về vai trò của họ trong bảo tồn văn hoá.
Bảo vệ môi trường: Du lịch bền vững giảm thiểu những tác động đến môi trường như động thực vật, các sinh cảnh sống, nguồn lợi sống,…và cố gắng đến mức cao nhất có lợi cho môi trường.
Mục tiêu của du lịch bền vững là gì?
Theo Hội đồng khoa học, Tổng cục du lịch đã đưa ra 12 mục tiêu trong chương trình của du lịch bền vững gồm:
Hiệu quả kinh tế: Đảm bảo tính hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh để các doanh nghiệp và các điểm du lịch có khả năng tiếp tục phát triển phồn thịnh và đạt lợi nhuận lâu dài.
Sự phồn thịnh cho địa phương: Tăng tối đa những đóng góp của du lịch đối với sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế địa phương tại điểm du lịch, khu du lịch gồm phần tiêu dùng của du khách được giữ lại địa phương.
Chất lượng việc làm: Tăng cường số lượng và chất lượng việc làm tại địa phương do ngành du lịch tạo ra và được ngành du lịch hỗ trợ, không có sự phân biệt đối xử về giới và các mặt khác.
Công bằng xã hội: Cần có sự phân phối lại lợi ích kinh tế và xã hội thu được từ các hoạt động từ hoạt động du lịch một cách công bằng và rộng rãi cho tất cả mọi người trong cộng đồng đánh được hưởng.
Sự thoả mãn của du khách: Cung cấp những dịch vụ an toàn, chất lượng cao thoả mãn đầy đủ yêu cầu của khách hàng, không phân biệt đối xử về giới, chủng tộc hay thu nhập,…
Khả năng kiểm soát của địa phương: Thu hút và trao quyền cho cộng đồng địa phương xây dựng kế hoạch và đề ra các quyết định về quản lý và phát triển du lịch với sự tham khảo, cố vấn từ các bên liên quan.
An sinh cộng đồng: Duy trì và tăng cường chất lượng cuộc sống của người dân địa phương gồm cơ cấu tổ chức xã hội và cách tiếp cận các nguồn tài nguyên, hệ thống hỗ trợ đời sống, tránh làm suy thoái và khai thác quá mức môi trường và xã hội dưới mọi hình thức.
Đa dạng văn hoá: Tôn trọng và tăng cường giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc biệt của cộng đồng dân cư địa phương ở các điểm du lịch.
Thống nhất về tự nhiên: Duy trì và nâng cao chất lượng của cảnh vật kể cả nông thôn lẫn thành thị tránh để môi trường xuống cấp.
Đa dạng sinh học: Hỗ trợ bảo tồn khu vực tự nhiên, môi trường sống, sinh vật hoang dã và giảm thiểu thiệt hại đối với các yếu tố này.
Hiệu quả các nguồn lực: Giảm thiểu mức sử dụng những nguồn tài nguyên quý hiếm và không thể tái tạo được trong việc phát triển và triển khai các cơ sở, phương tiện và dịch vụ du lịch.
Môi trường trong lành: Giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, đất và rác thải từ du khách và các hãng du lịch.
10 Nguyên tắc phát triển du lịch bền vững
Nguyên tắc 1: Nhận thức là nhận biết và hiểu được những nội dung qua việc thực hiện những nghiên cứu và phân tích trước khi thực hiện chương trình quản lý môi trường trên những khía cạnh như sinh học, tâm lý học, xã hội, quản lý,…
Nguyên tắc 2: Từ chối: Tức là đối với các doanh nghiệp du lịch, cách đơn giản nhất trong việc thực hiện chương trình quản lý môi trường là từ chối không tiến hành những hoạt động gây hại đến môi trường như từ chối sử dụng các thiết bị làm lạnh có khí CFC làm hại đến tầng khí quyển,…
Nguyên tắc 3: Giảm chất thải: Việc giảm chất thải giúp chúng ta tránh được những chi phí tốn kém cho việc phục hồi tổn hại về môi trường và đóng góp cho chất lượng du lịch. Nguyên tắc “Ai gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền” trở thành thông lệ quốc tế sẽ ảnh hưởng lớn đến bảo vệ môi trường.
Nguyên tắc 4: Thay thế: Doanh nghiệp du lịch thay thế những sản phẩm độc hại bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nguyên tắc 5: Sử dụng lại: Tức là việc xem xét các chất thải và nguồn cung ứng có thể tái sử dụng được hay không.
Nguyên tắc 6: Tái chế: Các chất thải có thể được tái chế để tạo ra những sản phẩm mới như tái chế thức ăn thừa của nhà hàng thành thức ăn gia súc, làm phân hữu cơ,…
Nguyên tắc 7: Tái cơ cấu: Là đặc trưng của hoạt động nghiên cứu và phát triển trong việc mua sắm và giới thiệu sản phẩm mới như sử dụng hộp các tông thay thế cho hộp nhựa để tiết kiệm tiền và giảm chất thải.
Nguyên tắc 8: Đào tạo lại: Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng, các doanh nghiệp xây dựng lợi thế cạnh tranh dựa trên chất lượng dịch vụ nên việc đào tạo nhân viên ngày càng trở nên quan trọng.
Nguyên tắc 9: Khen thường: Đây là một động lực kích thích sự phấn đấu và cống hiến của cán bộ, nhân viên du lịch trong việc tạo ra hiệu quả cao trong hoạt động kinh doanh du lịch như tiền thưởng, tăng lương,…
Nguyên tắc 10: Giáo dục lại: Việc thay đổi hành vi và thái độ của mỗi người có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ, khắc phục hậu quả môi trường. Nội dung của nguyên tắc gồm nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giới thiệu cho du khách về chất lượng môi trường trong sản phẩm du lịch.
Với xu hướng phát triển và hội nhập như hiện nay, việc phát triển du lịch bền vững trở thành vấn đề rất cần thiết và cấp bách cho mỗi địa phương, quốc gia và toàn cầu tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch cũng nhưng kinh tế- xã hội. Du lịch bền vững vừa đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của con người nhưng không ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và phục vụ các thế hệ tương lai.