Trang chủ Tài liệu chuyên ngành Dịch Vụ Du Lịch Là Gì? Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Dịch Vụ Du Lịch

Dịch Vụ Du Lịch Là Gì? Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Dịch Vụ Du Lịch

Đăng ngày
27 Tháng Mười Hai, 2023

Hiện nay, nhu cầu cuộc sống, đặc biệt là nhu cầu du lịch của người dân ngày càng được nâng cao. Nhu cầu du lịch là một dạng nhu cầu cao hơn so với các nhu cầu sinh học căn bản khác. Để thỏa mãn nhu cầu du lịch ngày càng cao của du khách, các dịch vụ du lịch ngày càng được xây dựng và hoàn thiện. Trong bài viết hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về dịch vụ du lịch là gì cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ du lịch nhé.

Khái niệm: Dịch vụ du lịch là gì?

Du lịch là gì?

Du lịch là một hiện tượng kinh tế xã hội có sự tham gia và tương tác giữa khách du lịch, người kinh doanh dịch vụ du lịch, dân cư sở tại và chính quyền nơi đón khách du lịch. Thông qua du lịch, du khách mong muốn thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình ở ngoài nơi mình thường cư trú, người kinh doanh dịch vụ du lịch có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận, cư dân địa phương có dịp quảng bá văn hóa, tìm công ăn việc làm. Đây là hoạt động cần có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương.

Dịch vụ du lịch là gì?

Dịch vụ du lịch là kết quả mang lại bằng các hoạt động tương tác giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ và khách du lịch và thông qua các tương tác đó để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và mang lại lợi ích cho tổ chức cung ứng du lịch. Bộ phận này là hạt nhân của dịch vụ du lịch, thực hiện nhu cầu chi tiêu du lịch của du khách không tách rời các loại dịch vụ mà nhà kinh doanh du lịch cung cấp.

Dịch vụ du lịch là một quy trình hoàn chỉnh có sự liên kết hợp lý giữa các dịch vụ đơn lẻ nên cần tạo ra được sự phối hợp hài hòa, đồng bộ trong toàn bộ chỉnh thể nhằm tạo ra sự đánh giá tốt cho du khách về dịch vụ du lịch hoàn chỉnh.

dich vu du lich la gi luanvanbeta
Khái niệm: Dịch vụ du lịch là gì?

Đặc điểm của dịch vụ du lịch là gì?

Tính phi vật chất: Đây là đặc điểm quan trọng nhất của dịch vụ du lịch bởi vì du khách không thể nhìn thấy hay thử nghiệm từ trước, là sản phẩm trừu tượng mà khách hàng chưa một lần tiêu dùng nó. Dịch vụ du lịch đồng hành với sản phẩm vật chất nhưng không thay đổi tính phi vật chất của mình nên du khách sẽ khó đánh giá dịch vụ. Vì đặc điểm này, nhà cung ứng dịch vụ du lịch cần cung cấp đầy đủ các thông tin nhấn mạnh lợi ích của dịch vụ mà không đơn thuần chỉ mô tả dịch vụ để khiến du khách quyết định mua dịch vụ của mình.

Tính đồng thời trong sản xuất và tiêu dùng: Đặc điểm này thể hiện ở cả không gian lẫn thời gian và thể hiện sự khác biệt giữa dịch vụ và hàng hóa. Vì vậy, sản phẩm dịch vụ không lưu kho được nên doanh nghiệp sẽ mất nguồn thu cho thời gian nhàn rỗi của nhân viên du lịch hay một phòng khách sạn không cho thuê được. Dịch vụ du lịch được sản xuất và tiêu dùng đồng thời với nhau nên cung-cầu không thể tách rời. Điều này tạo ra sự ăn khớp giữa cung và cầu trong du lịch là điều vô cùng quan trọng.

Sự tham gia của du khách trong quá trình tạo ra dịch vụ: Trong một chừng mực nhất định, du khách trở thành nội dung trong quá trình sản xuất. Sự tác động qua lại giữa khách hàng với người cung cấp dịch vụ phụ thuộc vào mức độ lành nghề, kỹ năng và mong muốn của hai bên. Vì vậy, cảm giác và sự tin tưởng về cá nhân và những mối quan hệ trong dịch vụ được coi trọng hơn khi mua bán các loại hàng hóa khác.

Tính không chuyển đổi quyền sở hữu dịch vụ: Trong quá trình cung cấp dịch vụ, không có quyền sở hữu nào được chuyển từ người bán sang người mua. Người mua chỉ mua quyền đối với tiến trình cung cấp dịch vụ tức là du khách được chuyên chở, ở khách sạn và sử dụng mà không được sở hữu chúng.

Tính không thể di chuyển: Các cơ sở du lịch là nơi sản xuất và cung ứng dịch vụ nên du khách muốn tiêu dùng dịch vụ phải đến các cơ sở du lịch. Vì vậy, khi xây dựng các địa điểm du lịch cần lưu ý đến các điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội để nâng cao chất lượng phục vụ và đem lại hiệu quả cao trong kinh doanh.

Tính thời vụ: Đặc điểm này bị tác động bởi các nguyên nhân mang tính tự nhiên và xã hội, dẫn đến tình trạng cung cầu dịch vụ mất cân đối với nhau, gây lãng phí cơ sở vật chất và con người lúc trái vụ và nguy cơ giảm sút chất lượng phục vụ khi vào mùa cao điểm.

Tính không đồng nhất của dịch vụ du lịch: Dịch vụ du lịch thường bị cá nhân hóa và không đồng nhất giữa các khách hàng với nhau vì mỗi du khách đều muốn được chăm sóc như những con người riêng biệt. Do đó, rất khó để doanh nghiệp đưa ra các tiêu chuẩn dịch vụ thỏa mãn tất cả khách hàng trong mọi hoàn cảnh.

Các loại hình dịch vụ du lịch

Dịch vụ lữ hành: Gồm có kinh doanh lữ hành, kinh doanh đại lý lữ hành đảm nhận nhiệm vụ trong việc tổ chức thực hiện các chuyến đi du lịch cho du khách theo chương trình trọn gói hoặc các tour mở. Nội dung là môi giới hoặc trung gian để sắp xếp, xử lý yêu cầu và đáp ứng tối đa đòi hỏi, mong muốn của khách hàng.

Dịch vụ lưu trú: Là dịch vụ đảm bảo cho khách hàng nơi ăn ở trong quá trình thực hiện chuyến đi của mình như khách sạn, nhà nghỉ,…ngoài ra còn có dịch vụ thuê đất cắm trại hoặc các hình thức tương tự. Để kinh doanh dịch vụ lưu trú có 3 kênh tiêu thụ chính là kênh tiêu thụ trực tiếp, kênh tiêu thụ gián tiếp và kênh tiêu thụ tổng hợp.

Các dịch vụ trung gian khác: bao gồm một số dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng như dịch vụ vận chuyển, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ thông tin, mua sắm,…để thỏa mãn khách hàng và mang lại cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong chuyến đi và khuyến khích họ quay lại trong những thời gian tiếp theo.

Ý nghĩa của việc phát triển dịch vụ du lịch là gì?

Tạo công ăn việc làm: Phát triển dịch vụ du lịch sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao tay nghề cũng như kích thích phát triển các ngành kinh tế khác như trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản từ đó tăng thu nhập cho xã hội và mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn.

Mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế: Việc phát triển các dịch vụ du lịch cũng góp phần thu hút khách du lịch nước ngoài đến tham quan, từ đó mở rộng giao lưu đến các miền khác nhau của đất nước và thể hiện vị trí của ngành du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần đặc sắc: Phát triển dịch vụ du lịch cũng góp phần thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hóa dân tộc và phát huy nét đẹp văn hóa vùng miền đặc sắc. Các dịch vụ du lịch sẽ giúp du khách hiểu thêm về phong tục tập quán và nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của từng vùng miền.

Các yếu tố ảnh hưởng đến cung ứng dịch vụ du lịch

Yếu tố trong doanh nghiệp

Thông thường, hoạt động du lịch chịu tác động bởi nhiều yếu tố chủ quan như:

Cơ sở vật chất kỹ thuật: Cơ sở vật chất là nguồn lực không thể thiếu để phát triển hoạt động kinh doanh của bất kỳ ngành nghề kinh tế nào. Nó đóng vai trò trong việc quyết định doanh thu,lợi nhuận và sự lớn mạnh của doanh nghiệp. Cơ sở vật chất được đầu tư tốt và đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch. Đặc trưng của ngành du lịch là chủ yếu sử dụng dịch vụ của ngành khác để tạo nên dịch vụ của mình như dịch vụ của ngành xây dựng, giao thông vận tải,…

Đội ngũ lao động: Lao động trong ngành du lịch không chỉ là sự hội tụ của tri thức, đạo đức và tính cần cù mà còn kết hợp với nhiều yếu tố khác nữa. Công tác tổ chức quản lý và sử dụng lao động đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh du lịch. Để đạt được hiệu quả, doanh nghiệp phải có cơ cấu lao động hợp lý, đào tạo lao động đi đôi với mục đích sử dụng lao động hiệu quả để góp phần nâng cao năng suất lao động.

Vốn kinh doanh: Hoạt động kinh doanh du lịch cần một nguồn vốn lớn để duy trì và mở rộng như lĩnh vực khách sạn, nhà hàng,…cần có chi phí đầu tư lớn để điều hành, duy trì và bảo dưỡng. Việc huy động vốn không chỉ từ phía tổ chức kinh doanh, chính phủ mà còn phải thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trình độ tổ chức và quản lý: Sự phối hợp quản lý đồng bộ, có hệ thống sẽ tạo nên sự tăng trưởng bền vững cho các doanh nghiệp du lịch trong sự phát triển chung.

Yếu tố ngoài doanh nghiệp

Chế độ và chính sách pháp luật: đây là nguồn lực và điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch vì đường lối chính sách phát triển du lịch là bộ phận quan trọng trong tổng thể đường lối phát triển kinh tế xã hội.

Nguồn khách: Khách du lịch là yếu tố trung tâm quyết định đến những yêu cầu đối với các thành phần khác trong hệ thống du lịch là yếu tố hình thành nên cầu du lịch. Cầu du lịch lại bị ảnh hưởng bởi các yếu tố về đặc điểm xã hội, nhân khẩu, dân tộc,…

Giá cả hàng hóa và dịch vụ: Đây là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng cân nhắc khi đưa ra quyết định đi du lịch. Tại Việt Nam cần có sự điều chỉnh hợp lý để cân đối giá cả và chất lượng, biến giả cả thành lợi thế để cạnh tranh với du lịch các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Tính thời vụ của du lịch: Tính thời vụ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh du lịch, gây nên nhiều khó khăn trong tổ chức kinh doanh của ngành du lịch.

Các yếu tố khác: Các yếu tố khác ảnh hưởng đến dịch vụ du lịch như các biến động của thời tiết, đối thủ cạnh tranh,…

Phát triển dịch vụ du lịch đang là một xu hướng ngày càng phát triển của các công ty du lịch và được đánh giá là lĩnh vực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Thông qua bài viết này, Luận Văn Beta hy vọng các bạn đã hiểu rõ hơn về dịch vụ du lịch là gì cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ du lịch để có phương hướng khắc phục và hoàn thiện trong thời gian tới.

5/5 - (1 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận