Giáo dục con người là nhiệm vụ quan trọng để phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân, phục vụ dân tộc và đất nước. Dạy học tích cực là phương pháp giúp người học kết hợp tri thức của các môn học, các bài học trong chương trình học nhiều cách khác nhau để nắm kiến thức cách sâu sắc, có hệ thống, bền vững từ đó hình thành những năng lực cần thiết trong học tập và cuộc sống. Hơn thế nữa, dạy học tích hợp là xu thế trong dạy học hiện đại của nhiều nước phát triển và là một trong những xu hướng sẽ thực hiện ở Việt Nam.
Dạy học tích hợp là gì?
Khái tích hợp là gì?
Tích hợp có thể hiểu là sự thống nhất, hòa hợp và kết hợp. Đó là sự hợp nhất hay nhất thể hóa các bộ phận khác nhau để tạo nên một đối tượng mới như một thể thống nhất trên những nét bản chất nhất của các thành phần đối tượng, chứ không phải phép cộng đơn giản các thuộc tính của các thành phần đó. Tích hợp có hai tính chất cơ bản liên hệ mật thiết với nhau và quy định lẫn nhau là tính liên kết toàn vẹn.
Khái niệm dạy học tích hợp là gì?
Theo từ điển Giáo dục: Dạy học tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy và học tập của cùng một lĩnh vực hay vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học.
Theo Humphreys: Dạy học tích hợp là một hình thức giảng dạy mà trẻ em được thỏa thích khám phá tri thức trong các môn học khác nhau liên quan đến một số khía cạnh của môi trường sống xung quanh chúng ta. Ông cho thấy mối liên hệ giữa các khoa học nhân văn, nghệ thuật giao tiếp, khoa học tự nhiên,…Những kỹ năng và tri thức được phát triển và áp dụng trong hơn một ngành học.
Dạy học tích hợp có thể hiểu đó là một quan điểm djay học để hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực cần thiết như năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết hiệu quả các tình huống trên. Tức là việc đảm bảo cho mỗi học sinh biết vận dụng kiến thức học ở nhà trường vào hoàn cảnh mới lạ, khó khăn từ đó trở thành một công dân có trách nhiệm, một người lao động có năng lực,
Như vậy, có thể hiểu dạy học tích hợp là một quan điểm sư phạm, trong đó người học cần huy động các nguồn lực để giải quyết tình huống phức tạp, có vấn đề nhằm phát triển các năng lực và phẩm chất cá nhân.
Đặc trưng của dạy học tích hợp
Mục đích của dạy học tích hợp là hình thành và phát triển năng lực học sinh, giúp học sinh vận dung để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Bản chất của năng lực nằm ở khả năng của chủ thể kết hợp linh hoạt, có tổ chức hợp lý kiến thức, kỹ năng với thái độ, giá trị, động cơ nhằm đáp ứng những yêu cầu phức hợp của một hoạt động đảm bảo cho hoạt động đó đạt kết quả tốt trong bối cảnh nhất định.
Dạy học tích hợp có các đặc điểm sau:
Thiết lập các mối quan hệ theo một logic nhất định các kiến thức, kỹ năng khác nhua từ đó thực hiện một hoạt động phức hợp
Lựa chọn các thông tin, kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh thực hiện các hoạt động thiết thực trong tình huống học tập, đời sống hằng ngày để học sinh hòa nhập vào thế giới cuộc sống.
Làm cho quá trình học tập có mục đích rõ ràng, cụ thể
Giáo viên không đặt nặng việc truyền đạt kiến thức, thông tin một cách đơn lẻ mà cần hình thành ở học sinh năng lực tìm kiếm, quản lý, tổ chức sử dụng kiến thức nhằm giải quyết vấn đề trong tình huống một cách có ý nghĩa.
Khắc phục thói quen truyền đạt và tiếp thu kiến thức, kỹ năng rời rạc mà cần cải cách và giảm tải kiến thức không thực sự có giá trị sử dụng, có điều kiện tăng kiến thức có ích.
Mục đích của dạy học tích hợp
Dạy học tích hợp có 4 mục tiêu chính, cụ thể:
Thứ nhất, làm cho quá trình học tập trở nên ý nghĩa, các quá trình học tập không cô lập với cuộc sống hằng ngày mà được tiến hành trong quan hệ với các tình huống cụ thể mà học sinh sẽ gặp trong cuộc sống thường ngày, những tình huống có ý nghĩa với học sinh. Thông qua việc đặt quá trình học tập của học sinh vào hoàn cảnh thực tiễn, có ý nghĩa đối với học sinh các em sẽ hòa nhập thế giới nhà trường vào thế giới cuộc sống. Để làm được như vậy cần có sự đóng góp của nhiều môn học.
Thứ hai, xác định rõ mục tiêu, phân biệt cái cốt yếu với cái ít quan trọng hơn. Trong quá trình dạy học, giáo viên cần tránh đặt quá trình học tập của học sinh ngang bằng với nhau. Vì không phải mọi thứ được học ở trường đều có ích cho học sinh nhưng các năng lực cơ bản lại không được chú trọng phát triển.
Thứ ba, dạy học tích hợp giúp học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Thay vì nhồi nhét đủ loại kiến thức cho học sinh, dạy học tích hợp khiến cho học sinh trở thành công dân có trách nhiệm, sống tự lập và là người lao động có năng lực. vì vậy, giáo viên không chỉ dạy kiến thức cho các em mà còn dạy các ứng dụng kiến thức vào cuộc sống và khi đánh giá học sinh không nặng việc đánh giá việc học thuộc lý thuyết mà đánh giá việc ứng dụng kiến thức của học sinh như thế nào, điều đó sẽ thúc đẩy học sinh phát triển.
Thứ tư, dạy học tích hợp là việc tạo mối liên hệ giữa các kiến thức đã học. Nhằm đáp ứng được những thách thức của xã hội là đảm bảo cho mỗi học sinh khả năng huy động có hiệu quả những kiến thức và năng lực của mình để giải quyết tình huống mới xuất hiện và có thể đối mặt với khó khăn bất ngờ, một tình huống chưa từng gặp. Đồng thời tránh những kiến thức, kỹ năng và nội dung trùng lặp khi nghiên cứu riêng rẽ từng môn học, phát triển kiến thức, kỹ năng mà theo môn học riêng rẽ không có được.
Vai trò quan trọng của dạy học tích hợp
Dạy học tích hợp sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở nhà trường: giáo dục toàn diện dựa trên việc đóng góp của nhiều môn học và bằng việc thực hiện đầy đủ mục tiêu cũng như nhiệm vụ của từng môn học. Mặt khác, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, tri thức khoa học và kinh nghiệm của loài người không ngừng tăng lên và liên tục thay đổi trong khi quỹ thời gian của học sinh là hạn chế. Vì vậy, khi xây dựng chương trình sách giáo khoa nhiều nội dung đã được tích hợp để thực hiện các nhiệm vụ, giáo viên cần nghiên cứu để có cách phù hợp tích hợp các nội dung cụ thể cho từng môn học và phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Phát triển năng lực người học: Dạy học tích hợp là dạy nội dung xung quanh một chủ đề nên đòi hỏi sử dụng kiến thức, kỹ năng và phương pháp của nhiều môn học để nghiên cứu, giải quyết các nhiệm vụ thuộc chủ đề đó. Dạy học tích hợp làm cho việc học trở nên có ý nghĩa hơn khi xét trên góc độ liên kết học sinh với học sinh và giữa học sinh với giáo viên để giải quyết vấn đề. Trên bình diện của học sinh, họ sẽ cảm thấy hứng thú hơn vì các em được thể hiện năng lực của mình.
Tận dụng kinh nghiệm của người học: Dạy học gắn với bối cảnh cuộc sống và nhu cầu của người học sẽ đồng thời thúc đẩy sự tích cực và trách nhiệm của người học. Khi việc học trở nên gần gũi với cuộc sống thực tế của mỗi học sinh, các em sẽ hứng thú hơn với việc khám phá tri thức, các em sẽ tích cực huy động và tận dụng tối đa vốn kinh nghiệm của mình. Điều này tạo điều kiện để các em đưa ra những lập luận có căn cứ, có lý lẽ để phát triển siêu nhận thức của người học. Tức là, người học có những đáp ứng tích cực với các hoạt động cần thực hiện, hiểu được mục đích các hoạt động và thậm chí kết quả cần đạt được.
Thiết lập mối quan hệ giữa các kiến thức và kỹ năng và phương pháp của các môn học: Xu thế dạy học ở nhà trường là phải làm sao cho tri thức học sinh là xác thực và toàn diện. Dạy học tích hợp tạo mối liên hệ trong học tập bằng việc kết nối các môn học khác nhau qua mối quan hệ phụ thuộc giữa các kiến thức, kỹ năng và phương pháp của các môn học. Do vậy, dạy học tích hợp là phương thức dạy học hiệu quả để cấu trúc kiến thức một cách có tổ chức và vững chắc.
Giảm tải học tập của học sinh: Dạy học tích hợp giúp học sinh phát triển năng lực, đặc biệt là trí tưởng tượng khoa học và năng lực tư duy của mình vì nó tạo ra các tình huống để các em vận dụng kiến thức gần với cuộc sống. Nó cũng giúp giảm sự trùng lặp nội dung giữa các môn học, góp phần giảm tải nội dung học tập.
Các phương pháp dạy học tích hợp phổ biến trong chương trình giáo dục
Tích hợp trong một môn học: Bao gồm việc tích hợp các nội dung của các phân môn, lĩnh vực thuộc cùng môn học theo từng chủ đề, từng bài học cụ thể nhất định trong đó ưu tiên các nội dung của môn học. Ví dụ: Tích hợp nội dung địa lý tự nhiên, địa lý nông nghiệp với nhau.
Tích hợp đa môn: Các môn học là riêng biệt nhưng có những liên kết có chủ đích giữa các môn học và trong từng môn học bởi các chủ đề hay vấn đề chung. Khi học sinh học hoặc nghiên cứu về một vấn đề nào đó các em có thể được tiếp nhận từ nhiều môn học khác nhau.
Ví dụ: khi người học nghiên cứu nhà ở theo quan điểm kiến trúc, quan điểm phong thủy học, quan điểm lịch sử,…như vậy, các môn học được tiếp cận một cách riêng rẽ và chri gặp nhau ở một số thời điểm trong quá trình nghiên cứu đề tài.
Tích hợp liên môn: Các môn học được liên hợp với nhau và giữa chúng có những chủ đề, vấn đề, khái niệm và ý tưởng lớn chung. Xu hướng liên môn được tạo ra trên sự gắn kết bởi các tri thức, chủ đề cùng tồn tại ở các môn học khác được xâu chuối và kết nối theo định hướng phù hợp và liên kết mang tính khoa học. Chương trình liên môn sẽ tạo ra những kết nối rõ rệt giữa các môn học. Chương trình cũng xoay quanh các chủ đề và vấn đề chung nhưng khái niệm hoặc kỹ năng liên môn được nhấn mạnh giữa các môn học chứ không phải trong từng môn riêng biệt.
Tích hợp xuyên môn: Chúng ta chủ yếu phát triển những kỹ năng mà học sinh có thể sử dụng trong tất cả các môn học, trong tất cả các tình huống và kỹ năng này được gọi là kỹ năng xuyên môn.
Hiện nay, cần phải tích hợp các môn học đặc biệt với nhu cầu ngày càng cao của xã hội đòi hỏi giáo dục phải hướng tới dạy học tích hợp theo quan điểm liên môn và xuyên môn.
Trên đây là những nội dung cơ bản liên quan đến dạy học tích hợp, đây là một xu hướng dạy học hiện đại mà giáo viên, nhà giáo dục cũng như phụ huynh cần tham khảo để có định hướng giáo dục con em mình. Thông qua việc dạy học tích hợp, các em sẽ được phát huy năng lực của mình một cách tốt nhất, tránh việc nhồi nhét kiến thức như phương thức truyền thống.