Trang chủ Tài liệu chuyên ngành Bộ Máy Nhà Nước Là Gì? Tìm Hiểu Bộ Máy Nhà Nước Việt Nam

Bộ Máy Nhà Nước Là Gì? Tìm Hiểu Bộ Máy Nhà Nước Việt Nam

Đăng ngày
31 Tháng Ba, 2024

Bộ máy nhà nước bao gồm các cơ quan hành chính, cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp cũng như các cơ quản, tổ chức khác có trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền lợi của nhà nước và của cộng đồng. Ở mỗi quốc gia, tổ chức bộ máy nhà nước sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào hệ thống chính trị, văn hóa và lịch sử. Tuy nhiên, bộ máy nhà nước được lập ra đều nhằm mục tiêu đảm bảo sự điều hành hiệu quả của nhà nước và phục vụ lợi ích của cộng đồng và quốc gia. Ở bài viết này, Luận Văn Beta sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu khái niệm bộ máy nhà nước là gì? Sơ đồ bộ máy nhà nước Việt Nam cũng như các chức năng, nhiệm vụ của từng thành phần trong bộ máy nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Khái niệm bộ máy nhà nước là gì?

bo may nha nuoc la gi luanvanbeta
Khái niệm bộ máy nhà nước là gì?

Thuật ngữ “bộ máy nhà nước” được sử dụng để chỉ hệ thống tổ chức và hoạt động của một quốc gia. Bộ máy nhà nước bao gồm các cơ quan, ban ngành, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chính trị, hành chính, quân sự và kinh tế của một quốc gia. Nó bao gồm các bộ, ban ngành, ủy ban nhân dân, tòa án nhân dân và các cơ quan khác, được thành lập để thực hiện các chứ năng và nhiệm vụ của nhà nước. Bộ máy nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh trật tự, sự ổn định và phát triển của một quốc gia. Bộ máy nhà nước đảm bảo các quy định, chính sách của nhà nước được thực hiện một cách hiệu quả và công bằng, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng và các công dân. Bộ máy nhà nước có sự khác nhau tùy thuộc vào hệ thống chính trị, pháp luật và văn hóa của từng quốc gia.

Bộ máy nhà nước Việt Nam bao gồm các cơ quan, tổ chức và các đơn vị hành chính của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương như Chính phủ; bộ, ngành; ủy ban; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hệ thống tư pháp. Bộ máy nhà nước Việt Nam được tổ chức và hoạt động dựa trên Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các pháp luật, nghị định, quyết định của nhà nước. Nó đảm bảo việc thực hiện chính sách và quyết định của nhà nước một cách hiệu quả và công bằng, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng và công dân.

Bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những đặc trưng sau:

Thứ nhất, cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước luôn đảm bảo tính thống nhất của quyền lực nhà nước. Các quyền lực của nhà nước đều thuộc về nhân dân và nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua những cơ quan mà nhân dân lập ra. Các cơ quan khác được thành lập từ cơ quan đại diện dân cử, chịu trách nhiệm và báo cáo trước cơ quan đó.

Thứ hai, bộ máy nhà nước nước ta được tổ chức theo nguyên tắc chung, quyền lực nhà nước thống nhất nhưng trong bộ máy sẽ có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn hay lẫn lộn các chức năng.

Thứ ba, bộ máy nhà nước có sự thống nhất quản lý các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội.

Chức năng của bộ máy nhà nước

Chức năng của bộ máy nhà nước được thể hiện ở ba phương diện cụ thể sau:

Lập pháp: Tức là bộ máy nhà nước sẽ thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành pháp luật của nhà nước.

Hành pháp: Bộ máy nhà nước bằng hoạt động cụ thể tức là đưa pháp luật và đời sống xã hội, bảo đảm để pháp luật nhà nước trở thành khuôn mẫu hoạt động của nhà nước và thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Tư pháp: Tức là thông qua hoạt động cụ thể của từng cơ quan, bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nhằm duy trì trật tự, kỷ cương và ổn định xã hội.

Những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước

Nguyên tắc 1: Quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các coq quan để thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền gồm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ba lĩnh vực này là một khối thống nhất được nhân dân trao cho quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất do nhân dân trực tiếp bầu ra. Tuy tổ chức theo nguyên tắc này nhưng bộ máy nhà nước có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan. Trong đó, quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp và có thẩm quyền trong lĩnh vực hành pháp và tư pháp. Chính phủ là cơ quan hành pháp và có vai trò trong lập pháp và tư pháp. Toà án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tư pháp và có thẩm quyền nhất định trong lập pháp và hành pháp.

Nguyên tắc 2: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước

Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm cho bộ máy hoạt động theo đường lối chính trị đúng đắn, thể hiện bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Giữ vững bản chất của nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nguyên tắc 3: Đảm bảo sự tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước

Đây là nguyên tắc quan trọng để tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước, phát huy trí tuệ nhân dân vào quản lý nhà nước. Hình thức nhân dân tham gia quản lý nhà nước vô cùng đa dạng như bầu cửu, góp ý cho các dự thảo luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước,…

Nguyên tắc 4: Nguyên tắc tập trung dân chủ

Trong tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước có sự kết hợp chỉ đạo, điều hành tập trung và thống nhất từ trung ương và các cơ quan nhà nước cấp trên với sự chủ động, sáng tạo của địa phương.

Nguyên tắc 5: Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa

Nguyên tắc này cần sự tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước nên tiến hành đúng quy định của pháp luật. Mọi cán bộ, công chức phải tôn trọng pháp luật khi thi hành công vụ và nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm minh.

Sơ đồ bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay 2024

so do bo may nha nuoc viet nam hien nay luanvanbeta
Sơ đồ bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay

Cơ quan nhà nước bao gồm các bộ phận hợp thành của bộ máy nhà nước, mỗi cơ quan có vị trí pháp lý xác định với nhiệm vụ và quyền hạn được hiến pháp và pháp luật quy định, bao gồm:

Quốc hội

Quốc hội có vị trí đặc biệt quan trọng, theo Hiến pháp quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nhưng dân dân không thể trực tiếp sử dụng quyền lực nhà nước nên bầu ra cơ quan đại biểu để thay mặt mình sử dụng quyền lực nhà nước. Các cơ quan này là cơ quan quyền lực nhà nước gồm quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và nhân dân qua hiến pháp, đạo luật, quyết định,…Quốc hội đại diện cho ý chí, lợi ích của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là tổ chức chính quyền thể hiện rõ tính chất đại diện và tính chất quyền chúng gồm những công nhân, nông dân và trí thức,..thuộc mọi dân tộc trong cả nước được nhân dân tín nhiệm bầu ra và chịu trách nhiệm trước quần chúng nhân dân. Do đó, các quyết định vấn đề được sát và hợp với quyền chúng và có điều kiện thuận lợi để vận động quần chúng thi hành tốt các quy định.

Với vị trí, tính chất như vậy nên quốc hội mang chủ quyền nhà nước và chủ quyền nhân dân nên quốc hội quyết định mọi công việc quan trọng của nhà nước và nhân dân.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội gồm: lập pháp và hiến pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tổ chức nhà nước, giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của nhà nước,…

Chủ tịch nước

Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt cho đất nước trong các vấn đề đối nội và đối ngoại. Trong đó, về đối nội, chủ tịch nước có quyền công bố hiến pháp, luật, pháp lệnh,…Về đối ngoại, chủ tịch nước có quyền cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam, tiếp nhận đại sứ đặc nhiệm toàn quyền của nước ngoài và nhân danh nhà nước ký kết các điều ước quốc tế,…

Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh.

Chính phủ

Chính phủ là cơ quan chấp hành của quốc hội do quốc hội lập ra với nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như lên kế hoạch, ngân sách, thuế, ban hành hiến pháp và luật,…Để triển khai các nghị quyết này, chính phủ phải tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả trên cơ sở cụ thể hoá bằng văn bản dưới luật, chính phủ đề ra biện pháp thích đáng, phân công và chỉ đạo thực hiện các văn bản đó vào thực tế. Chính phủ cũng là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nhà nước.

Tổ chức của chính phủ gồm có bộ và cơ quan ngang bộ, quốc hội quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các bộ và cơ quan ngang bộ theo đề nghị của thủ tướng chính phủ. Mỗi bộ và cơ quan ngang bộ sẽ thực hiện chức năng quản lý đối với ngành và lĩnh vực nhất định được quy định.

Hội đồng nhân dân (HĐND) và uỷ ban nhân dân (UBND)

Hai đơn vị này được thiết lập ở các cấp hành chính, lãnh thổ nhằm quản lý địa phương để đảm bảo thực hiện thống nhất, hiệu quả hiến pháp, luật và các văn bản cơ quan nhà nước cấp trên địa bàn lãnh thổ.

Hội đồng nhân dân (HĐND): Là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng cũng như quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra. Trong quá trình hoạt động, HĐND chịu sự giám sát và hướng dẫn của uỷ ban thường vụ quốc hội, sự kiểm tra của chính phủ và chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan cấp trên. HĐND sẽ căn cứ quyết định của cơ quan nhà nước ở trung ương, quyết định những chủ trương biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế- xã hội, và củng cố an ninh quốc phòng,…

Uỷ ban nhân dân: Do HĐND bầu, là cơ quan chấp hành của HĐND và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương có trách nhiệm chấp hành hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND. UBND có nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực khác nhau của đời sống địa phương, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiểm tra việc chấp hành hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên,…

Tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân

Trong phạm vi chức năng của mình, hai cơ quan này có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân,…Đây là những khâu trọng yếu, cơ bản thuộc hệ thống cơ quan tư pháp, thực hiện quyền tư pháp.

Toà án nhân dân: Có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật qua hoạt động xét xử và đây là chức năng riêng có của các toà án mà các cơ quan khác không có.

Viện kiểm sát nhân dân: Làm việc tuân theo pháp luật, thực hiện quyền công tố theo quy định của hiến pháp và pháp luật là chức năng riêng có của viện kiểm sát trong việc thực hiện quyền tư pháp và có nhiệm vụ đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất trong cả nước.

Quan hệ công tác trong hệ thống bộ máy các cơ quan nhà nước

Quan hệ công tác trong bộ máy nhà nước là quan hệ nội bộ nhà nước được quy định trong pháp luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cũng như cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan và được cụ thể hoá trong quy chế làm việc của cơ quan.

Quan hệ công tác giữa các cơ quan nhà nước thể hiện tính chất các quan hệ

Thứ nhất: Quan hệ theo cấp: Tức là cơ quan cấp trên quyết định và cấp dưới phải chấp hành. Tính kỷ cương của quan hệ này được thể hiện ở chỗ quyết định phải được chấp hành ngay, nếu có vướng mắc phải đề nghị và giải quyết sau, trừ nội dung quyết định vi phạm pháp luật rõ ràng.

Thứ hai: quan hệ song trùng trực thuộc trong qua hệ này là các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác đông quản lý của chủ thể thực hiện quan hệ trực thuộc của tổ chức và chủ thể thực hiện quan hệ trực thuộc về chuyên môn.

Thứ ba: quan hệ chủ từ, phối hợp tức là một cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phải có sự phối hợp, hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định. Quá trình thực hiện quan hệ để thống nhất ý kiến tham mưu, giúp việc hoặc ban hành những văn bản liên tịch.

Quan hệ công tác trong cơ quan nhà nước gồm: quan hệ giữa tổ chức, chức vụ có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân tham mưu giúp việc và quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan và cấp phó, quan hệ chủ từ phối hợp giữa các cơ cấu tổ chức của cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn, giúp việc.

Mục đích của quan hệ trong bộ máy nhà nước

Nhằm thực hiện thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cần tuân theo quy trình, thủ tục mà pháp luật và quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức đó quy định.

Trong quản lý hành chính, nhà nước phải thực hiện quan hệ công tác theo thủ tục hành chính, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo thủ tục pháp luật, pháp quy.

Giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân khi giải quyết công việc của dân phải thực hiện quan hệ nội bộ để đảm bảo, bảo vệ các đề nghị, yêu cầu về tự do quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức.

Trên đây là những thông tin liên quan đến khái niệm bộ máy nhà nước là gì mà Luận Văn Beta tổng hợp và gửi đến các bạn để tham khảo. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn đã hiểu rõ về bộ máy nhà nước Việt Nam cũng như chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong việc xây dựng và phát triển bộ máy chính quyền nhà nước.

Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận