Trang chủ Tài liệu chuyên ngành Tìm Hiểu Sơ Đồ Bộ Máy Hành Chính Nhà Nước Việt Nam Hiện Nay

Tìm Hiểu Sơ Đồ Bộ Máy Hành Chính Nhà Nước Việt Nam Hiện Nay

Đăng ngày
23 Tháng Hai, 2024

Bộ máy hành chính nhà nước là thuật ngữ được sử dụng để chỉ tổ chức, cơ cấu và hệ thống các đơn vị, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực hành chính công của một quốc gia. Đây là nơi thực hiện các chức năng quản lý nhà nước, đảm bảo thực thi các quy định của pháp luật, cung cấp các dịch vụ công và giải quyết các vấn đề khác liên quan đến lợi ích của cộng đồng và công dân. Trong bài viết này, luanvanbeta.com sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về sơ đồ bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam hiện nay, đặc điểm và chức năng của bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam.

Bộ máy hành chính nhà nước là gì?

Thuật ngữ “bộ máy hành chính nhà nước” được hiểu theo hai nghĩa là nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Cụ thể:

Theo nghĩa rộng chung của các nước trên thế giới, bộ máy hành chính nhà nước được hiểu là bộ máy thực thi quyền hành pháp. Có nghĩa là triển khai tổ chức thực hiện pháp luật, đưa pháp luật đi vào đời sống xã hội. Bộ máy hành chính nhà nước đang tồn tại tại rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo nghĩa hẹp đúng với bộ máy hành chính nhà nước ở Việt nam. Bộ máy hành chính nhà nước bao gồm các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, là bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước được tổ chức một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương. Chính phủ là cơ quan đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm thực hiện quyền hành pháp.

Trong trường hợp này, khi nghiên cứu bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam, Hội đồng Nhân dân không thuộc phạm trù bộ máy hành chính nhà nước. Phạm vi hành chính nhà nước chỉ bao gồm Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Đề cập trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”. Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân và là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương”.

Để có thể thực hiện quyền hành pháp một cách hiệu quả, bộ máy hành chính nhà nước cần được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc thứ bậc, cấp trên chỉ đạo và cấp dưới phục tùng và chịu sự kiểm soát từ cấp trên trong hoạt động. Bộ máy hành chính nhà nước là một chỉnh thể thống nhất từ trung ương đế địa phương với hai bộ phận là bộ máy hành chính trung ương và bộ máy hành chính địa phương.

bo may hanh chinh nha nuoc viet nam luanvanbeta
Bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam

Đặc trưng của bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam

Về mục tiêu: Mục tiêu của bộ máy hành chính nhà nước do pháp luật quy định, các cơ quan cấu thành đều hướng đến mục tiêu thực hiện quyền hành pháp, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước có sự cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu chính trị của đảng và giai cấp cầm quyền. Ngoài ra, hoạt động này còn mang tính phục vụ nhân dân, cho lợi ích chung của cộng đồng.

Đặc trưng về cách thức thành lập hay địa vị pháp lý: các cơ quan hành chính chỉ được thành lập khi có các văn bản quy phạm pháp luật cho phép. Địa vị của từng cơ quan sẽ được xác định rõ ràng trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức và bộ máy hành chính nhà nước. Môi cơ quan được thành lập nhằm thực hiện một hoặc một nhóm chức năng rõ ràng đảm bảo tính độc lập tương đối và tạo nên một chỉnh thể hoàn chỉnh.

Đặc trưng về quyền lực – thẩm quyền: Quyền lực của cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước mang tính pháp lý thể hiện ở việc các cơ quan có quyền ban hành các văn bản quy phạm dưới luật buộc các cơ quan cấp dưới, tổ chức khác và công dân phải chấp hành. Quyền kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hoặc thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra, tiến hành các biện pháp giáo dục, thuyết phục,…

Đặc trưng về quy mô hoạt động: Bộ máy hành chính nhà nước có quy mô rộng lớn nhất cả về tổ chức và hoạt động trong xã hội, thể hiện ở việc các đối tượng chịu sự chi phối là toàn xã hội, chức năng nhiệm vụ đa dạng, bao quát việc quản lý hành chính mọi lĩnh vực,…

Đặc trưng về nguồn lực: Nguồn lực cho bộ máy hành chính nhà nước được chia thành hai nhóm là nhân lực tức những người làm việc trong bộ máy nhà nước và thực thi thực hiện công vụ. Nhóm thứ hai là nguồn tài chính để các tổ chức hành chính hoạt động như trả lương cho đội ngũ công chức.

Chức năng cơ bản của bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam là gì?

Chức năng chính trị: Nhiệm vụ cơ bản của hành chính nhà nước là thực hiện các mục tiêu chính trị vì đây là chức năng thống trị. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải thông qua các thiết chế thuộc hệ thống bộ máy hành chính như công an, an ninh quốc gia,…để điều khiển chức năng với tính bắt buộc, khống chế,…nhằm gìn giữ trật tự an toàn xã hội.

Chức năng kinh tế: Thông qua các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế thuộc bộ máy hành chính nhà nước để tổ chức và quản lý kinh tế- xã hội. Chức năng này được thể hiện thông qua việc định ra chiến lược, kế hoạch phát triển gồm các quy hoạch, kế hoạch phát triển,…

Chức năng văn hóa: chức năng này được thể hiện qua các hoạt động định ra chiến lược, quy hoạch, chỉ đạo, giám sát các ngành nghiên cứu khoa học- kỹ thuật và đơn vị giáo dục, phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực nhằm nâng cao hiệu quả của chức năng văn hóa thúc đẩy sự phát triển của khoa học, văn hóa,…

Chức năng xã hội: Đây là một chức năng rộng bao hàm nhiều hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Theo đó, tất cả những chức năng quản lý của bộ máy hành chính nhà nước trên phạm vi rộng là chức năng xã hội. Chức năng này thể hiện qua việc xây dựng bộ máy chuyên ngành để thực thi sự quản lý đối với các công việc như phúc lợi xã hội, bảo hiểm xã hội,…

Cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam

Cơ cấu tổ chức theo cấp bậc hành chính – lãnh thổ: Là cơ cấu tổ chức đảm bảo cho hệ thống hành chính nhà nước được thông suốt từ trên xuống cơ sở. Theo đó, hệ thống hành chính nhà nước chia làm hai nhóm là bộ máy hành chính trung ương và bộ máy hành chính địa phương.

Tổ chức theo chức năng: Được phân định theo chức năng và chuyên môn hóa tạo nên những cơ quan quản lý các ngành, lĩnh vực khác nhau của nền hành chính nhà nước. Theo đó, bộ máy hành chính trung ương chia làm các bộ, đơn vị và thẩm quyền khác nhau.

Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính Việt Nam

Đảng lãnh đạo đối với hành chính nhà nước: Trong hệ thống chính trị nước ta, Đảng cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo, là bộ phận cấu thành bộ máy nhà nước nên bộ máy hành chính phải nắm vững quan điểm, nguyên tắc và phương thức lãnh đạo. Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết, đề ra đường lối, chủ trương,…Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay công việc của các cơ quan nhà nước.

Tăng cường sự tham gia và giám sát của người dân: Sự tham gia của nhân dân vào quyền lực chính trị là một trong những đặc trưng của chế độ dân chủ, nhân dân tham gia quản lý nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp để giải quyết những vấn đề lớn và hệ trọng.

Tập trung dân chủ: Đây là nguyên tắc cơ bản chỉ đạo tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị trong đó có hành chính nhà nước. Nguyên tắc này trước hết quy định sự lãnh đạo tập trung, cơ bản đối với những vấn đề chính yếu.Cấp trung ương giữ quyền thống nhất quản lý những vấn đề cơ bản và phân định thẩm quyền cho địa phương còn chính quyền địa phương được giao một số nhiệm vụ để thực hiện.

Kết hợp giữa quản lý theo ngành và lãnh thổ: Quản lý theo ngành của các cơ quan nhà nước để đề ra các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và quản lý theo lãnh thổ để tổ chức, điều hòa, phối hợp các hoạt động các ngành, thành phần kinh tế trên phạm vi cả nước. Phương thức kết hợp này đều phải có trách nhiệm trong thực hiện mục tiêu của ngành và lãnh thổ.

Phân định quản lý nhà nước về kinh tế và quản trị kinh doanh: Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp nhà nước được trao quyền tự chủ kinh doanh theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa với sự quản lý của nhà nước. Vai trò chủ yếu của nhà nước là định hướng, dẫn dắt và điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp.
Nguyên tắc quản lý nhà nước bằng pháp luật: Nguyên tắc này đòi hỏi tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính dựa trên cơ sở pháp luật tức là hệ thống hành chính nhà nước phải chấp hành luật và các nghị quyết của quốc hội trong thực hiện quyền hành pháp. Pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh nếu có cơ quan, tổ chức hay cá nhân sai phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường.

Nguyên tắc công khai minh bạch: Cơ quan, tổ chức thông tin chính xác, kịp thời về văn bản, hoạt động hoặc nội dung nhất định. Minh bạch trong hành chính là những thông tin phù hợp được cung cấp kịp thời cho nhân dân dưới hình thức dễ sử dụng và các quyết định, quy định cần rõ ràng và phổ biến đầy đủ.

Tổ chức bộ máy nhà nước ở trung ương

Chính phủ

Chính phủ: là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của quốc hội, chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trước quốc hội và báo cáo công tác trước quốc hội.

Chức năng của chính phủ: Là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất thực hiện quyền hành pháp và cơ quan chấp hành của quốc hội.

Thành viên chính phủ: Gồm thủ tướng chính phủ, phó thủ tướng chính phủ, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Thành viên của chính phủ gồm 28 người gồm 1 thủ tướng, 5 phó thủ tướng và 22 bộ trưởng.

Cơ cấu tổ chức của chính phủ: Bồm bộ và các cơ quan ngang bộ, quốc hội quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các bộ và cơ quan ngang bộ theo đề nghị của thủ tướng chính phủ.

Nhiệm vụ và quyền hạn của chính phủ: gồm 2 phương diện sau

Thứ nhất: chính phủ với tư cách là cơ quan chấp hành cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp quy dưới luật. Các bộ, địa phương có nghĩa vụ thực hiện các văn bản pháp quy đó.

Thứ hai, chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, là cấp cao nhất của toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Hoạt động của chính phủ: Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một phiên hoặc họp bất thường theo quyết định của thủ tướng chính phủ, chủ tịch nước hoặc của ít nhất một phần ba tổng số thành viên chính phủ.

Bộ và cơ quan ngang bộ

Là yếu tố cấu thành cơ cấu tổ chức của chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước. Bộ được phân loại thành hai nhóm là bộ quản lý lĩnh vực và bộ quản lý nhà nước đối với ngành.

Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương

Hệ thống các cấp hành chính – lãnh thổ Việt Nam các các bản hiến pháp tồn tại những chủ thể được quy định trong văn bản pháp luật trong đó có UBND. UBND là tên gọi chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, là cơ quan chấp hành của HĐND và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Ủy ban nhân dân: UBND là do HĐND cùng cấp bầu, cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính ở địa phương và chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương. UBND có hai tư cách là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, UBND tạo nên yếu tố thứ bậc trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam. Mỗi cấp lãnh thổ có một UBND và là cơ quan hành chính nhà nước ở cấp đó.

Cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân

Cơ quan chuyên môn thuộc UBND được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện là cơ quan tham mưu giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên. Việc tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND đảm bảo phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị và tình hình phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương.

Trên đây là những thông tin khái quát về bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam mà Luận Văn Beta muốn gửi đến các bạn để hiểu rõ về nhà nước Việt Nam. Hy vọng bài viết này đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin và tài liệu của các bạn.

Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận