Giáo dục là một trong những quốc sách hàng đầu của bất kỳ quốc gia nào để đưa đến sự phát triển toàn diện về mọi mặt và là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Trong sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá của nước ta thì giáo dục càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Để hiểu rõ về khái niệm giáo dục là gì cũng như những mục tiêu và tính chất của giáo dục trong thời đại hiện nay, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Luận Văn Beta nhé.
Khái niệm: Giáo dục là gì?
Theo nghĩa rộng: Giáo dục là loại hình đặc thù của xã hội loài người nhằm tái sản xuất những nhu cầu và năng lực của con người để duy trì phát triển xã hội, hoàn thiện các mối quan hệ xã hội qua các hình thức, nội dung và biện pháp tác động một cách có hệ thống, có phương pháp, có chủ định đến đối tượng nhằm hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách trên các mặt đức, trí, thể, mỹ.
Theo nghĩa hẹp: Giáo dục của nhà giáo dục được tổ chức theo kế hoạch chương trình nhằm hình thành nhân sinh quan, phẩm chất đạo đức và bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ và phát triển thể chất của học sinh qua hệ thống tác động sư phạm tới tư tưởng, tình cảm, lối sống của các em kết hợp với các biện pháp giáo dục gia đình và xã hội, phát huy mặt tốt và khắc phục mặt hạn chế trong suy nghĩ, hành động của người học.
Tính chất của giáo dục
Thứ nhất, giáo dục là hiện tượng mang tính phổ biến và và tồn tại vĩnh hằng: Tức là giáo dục là hiện tượng xã hội đặc biệt chỉ xuất hiện trong xã hội loài người mà không thể tìm thấy ở bất kỳ xã hội nào khác. Giáo dục được sản sinh từ trong lao động sản xuất và gắn với lao động sản xuất và đời sống con người. Đây là hiện tượng phổ biến vì ở bất cứ thời gian và địa điểm nào có mối quan hệ giữa người với người thì ở đó sẽ diễn ra hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, giáo dục có tính vĩnh hằng vì giáo dục xuất hiện và gắn bó với sự phát triển của loài người và không thể mất đi vì nếu không có giáo dục thì xã hội loài người không thể tồn tại nên nếu xã hội loài người tồn tại mãi mãi thì giáo dục cũng song song tồn tài lâu dài và vĩnh hằng.
Thứ hai, giáo dục là hiện tượng mang tính lịch sử sâu sắc: Giáo dục ra đời gắn liền với tiến trình phát triển của xã hội. Một mặt, giáo dục phản ánh trình độ phát triển của lịch sử, bị quy định bởi trình độ phát triển của lịch sử đồng thời cũng tác động tích cực lên sự phát triển lịch sử. Ở mỗi giai đoạn phát triển của xã hội có một trang lịch sử giáo dục đặc trưng cho mỗi giai đoạn phát triển đó, tương ứng với trình độ phát triển kinh tế- xã hội và với mục đích, nội dung và phương pháp giáo dục trong mỗi giai đoạn.
Thứ ba, giáo dục mang tính giai cấp: Giáo dục là một hiện tượng xã hội được sản sinh và tồn tại song song với sự tồn tại của xã hội loài người nên khi xã hội xuất hiện sự phân chia giai cấp thì giáo dục cũng có tính giai cấp. Tính giai cấp của giáo dục là một trong những quy luật quan trọng ảnh hưởng đến xây dựng và phát triển giáo dục trong xã hội đó. Đối với xã hội có giai cấp, giáo dục được sử dụng như một công cụ của giai cấp cầm quyền nhằm duy trì quyền lợi của mình qua mục đích, nội dung và phương pháp giáo dục.
Thứ tư, giáo dục thể hiện hình thái ý thức xã hội: Về bản chất, giáo dục là sự truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử- xã hội của các thế hệ. Về mục đích, giáo dục là sự định hướng của thế hệ trước cho sự phát triển của thế hệ sau. Về phương thức, giáo dục là cơ hội giúp đỡ cá nhân đạt đến hạnh phúc và cơ sở đảm bảo cho sự kế thừa, tiếp nối và phát triển những thành quả của xã hội loài người.
Thứ tư, giáo dục mang tính dân tộc: Mỗi quốc gia đều có một truyền thống lịch sử, nền văn hoá riêng nên giáo dục của mỗi nước cũng mang nét độc đáo, sắc thái đặc trưng thể hiện trong mục đích, giáo dục và phương pháp giáo dục của mình.
Chức năng quan trọng của giáo dục
Chức năng văn hoá- xã hội của giáo dục: Giáo dục là quá trình truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử- xã hội của các thế hệ nền giáo dục là phương thức đặc trưng cơ bản để bảo tồn và phát triển văn hoá nhân loại.
Chức năng kinh tế: Giáo dục đào tạo nhân lực cho tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế, văn hoá- xã hội đảm bảo cho xã hội vận động và phát triển. Như vậy, giáo dục tái sản xuất sức lao động xã hội. Qua việc đào tạo ra sức lao động mới khéo léo hơn, hiệu quả hơn để thay thế sức lao động cũ bị mất đi bằng cách phát triển những năng lực chung và năng lực chuyên biệt của con người. Giáo dục cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội. Giáo dục làm cho mọi người thích nghi với sự biến đổi công nghệ và yêu cầu chung của thị trường và giáo dục cũng là cơ hội để các nước thoát khỏi đói nghèo.
Quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục của Việt Nam
Trên cơ sở phân tích đánh giá thực trạng giáo dục nước ta thời gian qua, nhận định thời cơ và thách thức đối với giáo dục trong thời kỳ mới, Đảng ta đã xác định các quan điểm chỉ đạo thực tiễn giáo dục Việt Nam giai đoạn mới như sau:
Giáo dục là quốc sách hàng đầu: Phát triển giáo dục là nền tảng, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hoá- hiện đại hoá, là yếu tố cơ bản phát triển xã hội. Quan điểm này được cụ thể hoá qua 4 nội dung:
- Giáo dục đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế- văn hoá xã hội, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, đầu tư phát triển phải tăng nhanh hơn chi cho tiêu dùng.
- Giáo dục là bộ phận quan trọng hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội với địa phương, khu vực và cả nước.
- Chính sách ưu tiên cao nhất cho giáo dục như ưu tiên đầu tư tiền, ưu đãi tiền lương, tăng ngân sách cho giáo dục.
- Xây dựng đường lối, chính sách phát triển giáo dục
Xây dựng nền giáo dục có tính nhân dân, dân tộc theo hướng xã hội chủ nghĩa với nền tảng là chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo cơ hội bình đẳng để ai cũng được học hành, cần có cơ chế, chính sách giúp đỡ người nghèo học tập, khuyến khích người học phát triển tài năng. Giáo dục con người Việt phát triển một cách toàn diện, có đạo đức, tri thức và sức khoẻ., phát triển năng lực và kỹ năng của mình,…
Phát triển giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ củng cố an ninh, quốc phòng
Đảm bảo sự hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề và cơ cấu vùng miền, mở rộng quy mô đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Thực hiện việc học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn.
Giáo dục là sự nghiệp của Đảng, nhà nước và toàn dân
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển giáo dục. Xã hội hoá giáo dục là huy động các lực lượng, nguồn lực của xã hội để phát triển giáo dục và biến giáo dục thành quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân.
Khái niệm Quản lý giáo dục là gì?
Quản lý giáo dục là quá trình tác động có tính định hướng của nhà quản lý giáo dục trong việc vận dụng các nguyên lý, phương pháp chung nhất của kế hoạch nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Những tác động đó là những tác động khoa học đến nhà trường, làm cho nhà trường tổ chức cách khoa học, có kế hoạch giảng dạy và học tập theo mục tiêu đào tạo.
Quản lý hoạt động giáo dục
Quản lý hoạt động giáo dục là nội dung vô cùng quan trọng, mang tính đặc trưng của tất cả các hình thức giáo dục, hoạt động giáo dục giữ vị trí số 1 và là vị trí chủ yếu trong sự quan tâm của toàn xã hội vì giáo dục thực hiện chức năng giáo dục và phát triển. Theo đó, mọi hoạt động khác của nhà trường phải hỗ trợ đắc lực cho hoạt động dạy học. Quản lý hoạt động dạy học trong nhà trường là quản lý trực tiếp các hoạt động giáo dục diễn ra ở trường để thực hiện mục tiêu đào tạo và nguyên lý giáo dục theo tinh thần nghị quyết của Đảng.
Nhiệm vụ của quản lý hoạt động giáo dục
Cụ thể hóa mục tiêu giáo dục qua các nhiệm vụ giáo dục nhằm nâng cấp tri thức, kỹ năng, bồi dưỡng thái độ và hình thành phát triển những năng lực, phẩm chất tốt đẹp cho thanh thiếu niên.
Quản lý việc xây dựng và thực hiện nội dung giáo dục. Nội dung giáo dục gồm hệ thống những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo và phẩm chất đạo đức, thế giới quan và nhân sinh quan mà người học cần nắm vững trong quá trình giáo dục.
Quản lý hoạt động giáo dục của nhà giáo dục thông qua các hoạt động xây dựng mục tiêu giáo dục, thực hiện chương trình và các nội dung, phương pháp tổ chức,…
Quản lý hoạt động học tập của học sinh như quản lý về nề nếp thái độ, ý thức học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, học tập giáo dục định hướng nghề nghiệp và kết quả giáo dục.
Quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng phục vụ hoạt động giáo dục như quản lý phòng học, phòng nghỉ, khu vực vui chơi.
Như vậy, để quản lý tốt hoạt động giáo dục, nhà quản lý giáo dục cần nắm vững nội dung quản lý của hoạt động dạy học như quản lý hoạt động dạy học theo mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục, kế hoạch giảng dạy và quản lý công tác kiểm tra đánh giá hoạt động chuyên môn của giáo viên, quản lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên,…Quản lý đổi mới phương pháp dạy học, quản lý công tác bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho giáo dục, quản lý cơ sở vật chất,…nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong nhà trường, nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Trên đây là những nội dung cơ bản và trọng tâm của giáo dục mà Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới để phát triển đất nước. Giáo dục nhằm đào tạo, bồi dưỡng nhân tài phù hợp với thời đại mới từ đó nắm bắt những cơ hội phát triển đất nước bền vững. Hy vọng thông qua bài viết này đã giải đáp những thắc mắc của các bạn liên quan đến nội dung này nhé.