Có thể nói rằng, lịch sử phát triển của loài người luôn gắn liền với giáo dục. Sự tồn tại và phát triển của giáo dục chịu tác động của kinh tế xã hội và giáo dục có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, giáo dục là công cụ, phương tiện để cải tiến và phát triển xã hội. Trong đó, giáo dục đạo đức là một phần không thể thiếu trong hoạt động giáo dục để hình thành nhân sách cho học sinh một cách tốt nhất. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu bản chất khái niệm giáo dục đạo đức là gì? Vai trò và các phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học, thcs…
Khái niệm: Giáo dục đạo đức là gì?
Khái niệm đạo đức
Đạo đức là một phạm trù được nhiều lĩnh vực khoa học nghiên cứu như triết học, đạo đức học, giáo dục học, tâm lý học,…ở mỗi lĩnh vực sẽ có một cách tiếp cận khác nhau tạo ra một hệ thống quan niệm, khái niệm và nhận định đạo đức phong phú và sâu sắc.
Đạo đức là một hệ thống bao gồm các quy tắc, chuẩn mực để điều chỉnh hành vi và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội để bảo vệ lợi ích cá nhân và cộng động, được đảm bảo thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội.
Khái niệm giáo dục đạo đức
Về bản chất, giáo dục đạo đức là quá trình chuyển hóa hệ thống các chuẩn mực đạo đức từ những đòi hỏi bên ngoài của xã hội với cá nhân thành các niềm tin, nhu cầu và thói quen của đối tượng giáo dục. Giáo dục đạo đức là chuỗi tác động có định hướng của chủ thể giáo dục và yếu tố tự giáo dục của học sinh để các bạn nhận thức đúng, tạo lập tình cảm và thái độ, hình thành thói quen hành vi văn minh trong cuộc sống.
Giáo dục đạo đức là bộ phận quan trọng mang tính nền tảng của giáo dục với nhiệm vụ rèn luyện lý tưởng, ý thức, thói quen và hình thành ở người học các phẩm chất đạo đức như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ,…
Kết luận: Giáo dục đạo đức là quá trình hoạt động có mục đích, tổ chức và có kế hoạch để biến các nhu cầu, chuẩn mực và giá trị đạo đức theo yêu cầu của xã hội thành các phẩm chất, giá trị đạo đức của cá nhân từ đó góp phần phát triển nhân cách của mỗi cá nhân và thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội.
Nhiệm vụ của giáo dục đạo đức
Giáo dục đạo đức có 3 nhiệm vụ chính như sau:
Thứ nhất, hình thành cho học sinh sự hiểu biết về những giá trị đạo đức để tạo ra thái độ đồng tình, chấp nhận thực hiện các yêu cầu chuẩn mực đạo đức, những giá trị chân chính và có ý chí đạo đức vững vàng trong các mối quan hệ với cộng đồng. Các chuẩn mực, giá trị này được coi là những nội dung có tác dụng định hướng, điều tiết hành vi của cá nhân hay nhóm trong những điều kiện nhất định. Mặt khác, đây cũng là một trong những tiêu chuẩn mà xã hội dùng để kiểm tra hành vi của cá nhân và cá nhân có thể sử dụng những phương tiện này tự kiểm tra hành vi của mình.
Thứ hai, tạo ra ở học sinh những cảm xúc, hành vi và niềm tin tích cực khi thực hiện các yêu cầu chuẩn mực đạo đức. Những tình cảm và cảm xúc đúng đắn ở học sinh giúp các em hình thành thái độ tích cực đối với các quy định, chuẩn mực của xã hội. Thái độ đó trở thành sức mạnh giúp các em thực hiện hành vi đúng đắn và niềm tin có tầm quan trọng đặc biệt đối với hành vi, vì chính niềm tin thúc đẩy và củng cố hành vi của các em.
Thứ ba, tổ chức cho học sinh thực hiện các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động học tập, lao động và sinh hoạt cộng đồng và tập thể để hình thành hành vi, thói quen hành vi đạo đức đúng đắn. Chỉ thông qua hoạt động thì nhận thức, tình cảm mới được chuyển hóa nhanh chóng và vững chắc vào thế giới tâm hồn bên trong và hình thành niềm tin.
Nguyên tắc giáo dục đạo đức
Nguyên tắc giáo dục là các luận điểm căn bản, có tính quy luật trong quá trình giáo dục nhằm chỉ đạo, định hướng cho hoạt động giáo dục để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục đạt được mục đích giáo dục đã đề ra. Các nguyên tắc giáo dục đạo đức gồm:
Đảm bảo tính mục đích cho hoạt động giáo dục ở nhà trường
Đảm bảo giáo dục đạo đức gắn liền với thực tiễn cuộc sống và lao động
Đảm bảo giáo dục đạo đức trong tập thể và thông qua tập thể
Giáo dục đạo đức kết hợp với việc đề ra các yêu cầu cao, hợp lý trong thực hiện sự tôn trọng nhiều nhất với người được giáo dục.
Đảm bảo giáo dục đạo đức vừa sức và tính cá biệt trong hoạt động giáo dục.
Giáo dục đạo đức cần đảm bảo thống nhất giữa vai trò chủ đạo của nhà giáo dục với vai trò tự giác, tích cực và sáng tạo của người được giáo dục.
Giáo dục đạo đức cần có sự thống nhất giữa giáo dục nhà trường với gia đình và xã hội.
Vai trò của giáo dục đạo đức cho học sinh là gì?
Trong hoạt động xã hội, giáo dục đạo đức là vấn đề được đặt ra với tất cả các cá nhân để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Vai trò của giáo dục đạo đức được thể hiện như sau:
Đối với cá nhân: Giáo dục đạo đức có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống của mỗi người nhằm điều chỉnh các quan hệ của con người với thế giới xung quanh như ngăn cấm, cho phép một cái gì đó, tán thành hoặc chỉ trích một cái gì đó. Giáo dục đạo đức là cần thiết cho con người để điều khiển cuộc sống riêng nhằm tự đánh giá, điều chỉnh hành vi của mình.
Đối với gia đình: Giáo dục đạo đức được xem là nền tảng của hạnh phúc gia đình để tạo sự ổn định và phát triển vững chắc của gia đình. Đạo đức là nhân tố không thể thiếu để tạo nên một gia đình hạnh phúc.
Đối với xã hội: Nếu ví xã hội là một cơ thể sống thì giáo dục đạo đức liên quan đến sức khỏe của cơ thể sống ấy. Một xã hội bao gồm các quy tắc, chuẩn mực đạo đức được tôn trọng và củng cố, phát triển thì xã hội mới có thể phát triển bền vững.
Nội dung giáo dục đạo đức
Giáo dục đạo đức cho học sinh gồm các phẩm chất đạo đức thể hiện ở các biểu hiện về hành vi đạo đức, khái niệm về các quy tắc đạo đức, thói quen ứng xử trong các quan hệ đạo đức. Các nội dung này gồm các chuẩn mực đạo đức sau:
Giáo dục lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính như giáo dục về lý tưởng xã hội chủ nghĩa, ý thức tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết,…
Giáo dục thái độ đối với lao động gồm giáo dục về đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, trách nhiệm và sống có lương tâm,…
Giáo dục thái độ đúng đắn đối với mọi người và bản thân mình như lòng tự trọng, sự tự tin, tính tự lập, tinh thần hướng thiện,…
Giáo dục thái độ đúng đắn đối với môi trường xung quanh như giáo dục về nhận thức và thái độ đúng về bảo vệ tài nguyên môi trường, xây dựng xã hội dân chủ bình đẳng,…
Chương trình giáo dục đạo đức cho học sinh được thực hiện trong nhà trường một cách liên tục ở các cấp, bậc học và đây là hướng đi quan trọng để chống sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận học sinh.
Phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức
Phương pháp giáo dục đạo đức
Hệ thống các phương pháp giáo dục đạo đức gồm:
Nhóm các phương pháp để hình thành ý thức cá nhân như: nhóm phương pháp sử dụng cách tác động trực tiếp đến nhận thức và tình cảm của học sinh qua việc phân tích, so sánh và dẫn chứng,…giúp người học hiểu, đồng tình và có tình cảm tích cực, mong muốn thể hiện trong cuộc sống. Nhóm phương pháp này gồm giảng giải, đàm thoại, kể chuyện,…
Nhóm các phương pháp giáo dục tổ chức hoạt động nhằm hình thành hành vi và thói quen hành vi như nhóm phương pháp sử dụng cách thức lôi cuốn học sinh vào các hoạt động đa dạng với các công việc cụ thể với những nghĩa vụ xã hội nhất định để giúp các em có điều kiện thể hiện kinh nghiệm ứng xử trong các mối quan hệ đa dạng và hình thành hành vi ứng xử phù hợp. Nhóm này gồm các phương pháp giao việc, rèn luyện thói quen và rèn luyện,…
Nhóm phương pháp kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi ứng xử như sử dụng các biện pháp kích thích, khích lệ và điều chỉnh các hành vi của học sinh phù hợp với yêu cầu xã hội. Trong quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh, giáo viên cần vận dụng các nhóm phương pháp kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi ứng xử như thi đua, khen thưởng, trách phạt,…
Hình thức giáo dục đạo đức
Giáo dục bằng con đường dạy học ở trường: Trong nhà trường, việc giáo dục đạo đức là việc cung cấp cho học sinh những tri thức về nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức đơn thuần quan việc học môn đạo đức và thông qua các mối quan hệ được thể hiện trong hoạt động dạy và học. Việc giảng dạy các môn học có khả năng giáo dục đạo đức cho học sinh do nội dung của môn học, thái độ giảng dạy của giáo viên. Hiện nay, Bộ giáo dục và Đào tạo đang triển khai thí điểm ở một số trường từ tiểu học đến trung học phổ thông về chương trình giáo dục đạo đức để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh và giúp các em ý thức sâu sắc hơn về kết quả học tập và vai trò của mình đối với tương lai của bản thân, gia đình và xã hội.
Giáo dục đạo đức thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp: Ngoài những hoạt động học tập các môn học, học sinh còn có những hoạt động khá như lao động, công xã hội,…để thỏa mãn những nhu cầu sống của cá nhân học sinh, đáp ứng những nhu cầu xã hội. Đó là những hoạt động thực tiễn nhằm hình thành cảm xúc và hành vi đạo đức cho học sinh.
Giáo dục bằng tự tu dưỡng, rèn luyện và tự giáo dục của bản thân: Ở lứa tuổi học sinh, các em bắt đầu có sự phát triển của tự ý thức đặc biệt là tự giáo dục. Đạo đức của học sinh cũng phát triển mạnh mẽ đặc biệt về nhận thức đạo đức và chuẩn mực hành vi ứng xử trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội. Vì vậy, khi tham gia các hoạt động giáo dục, giáo viên cần hướng dẫn các em tích cực trau dồi nhân cách, bồi đắp các giá trị đạo đức như sống chân thành, trung thực,…
Trên đây là lý luận của giáo dục đạo đức cũng như những nội dung quan trọng của giáo dục đạo đức cần nắm. Công tác giáo dục đạo đức đó là sự kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội một cách chặt chẽ giúp các em hình thành những nhân cách và đạo đức phù hợp. Vì vậy, thông qua bài viết này chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về khái niệm giáo dục đạo đức là gì cũng như những phương pháp để hình thành đạo đức cho các em học sinh.