Công nợ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư, người vay vốn, khách hàng,… trước khi họ quyết định có nên đầu tư hay tài trợ vốn cho một doanh nghiệp hay không. Do đó, công tác quản lý công nợ góp phần quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, thể hiện khả năng và trình độ quản lý tài chính của nhà quản trị. Để hiểu rõ hơn về công nợ là gì, chúng ta cùng theo dõi bài viết sau cùng Luận Văn Beta nhé.
Khái niệm Công nợ là gì?
Công nợ thể hiện nghĩa vụ thanh toán của khách nợ với người thụ hưởng. Công nợ trong doanh nghiệp gồm công nợ phải thu và công nợ phải trả. Đây là hai mặt trái ngược nhưng tồn tại song song và khách quan với nhau, ảnh hưởng tới công tác tài chính doanh nghiệp.
Công nợ liên quan và ảnh hưởng tới tình hình tài chính của doanh nghiệp vì khi bắt đầu thực hiện các mối quan hệ làm ăn buôn bán, các nhà đầu tư, chủ ngân hàng hay đối tác kinh doanh thường quan tâm đến tình hình tài chính doanh nghiệp. Phải nói rằng, trong bất cứ doanh nghiệp hay một tổ chức kinh tế thì luôn tồn tại những khoảnh phải thu đối với con nợ và các khoản phải trả đối với chủ nợ. Công nợ không tách khỏi quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cơ sở hình thành công nợ
Ngay từ khi bước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn phải có trong tay số vốn nhất định phù hợp với ngành nghề mà mình đăng ký với bộ chủ quản. Số vốn mà doanh nghiệp nắm giữ không phải hoàn toàn là vốn tự có mà gồm cả vốn tín dụng. Vì huy động vốn từ bên ngoài cho doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải có trách nhiệm hoàn trả cả vốn lẫn lời cho các tổ chức tín dụng, chủ nợ của doanh nghiệp tại thời điểm hai bên thỏa thuận.
Như vậy, từ khi mở đầu doanh nghiệp đã có các khoản công nợ phải trả liên quan đến nguồn hình thành vốn doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động sau này, các phương thức thanh toán của doanh nghiệp áp dụng cũng đã trực tiếp hình thành nên khoản phải thu của doanh nghiệp với bạn hàng, cá nhân hay khoản phải trả với chủ nợ.
Nếu khoản phải trả của doanh nghiệp quá lớn thì có nghĩa doanh nghiệp đang chiếm dụng vốn của doanh nghiệp khác. Trong lúc này, nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được bổ sung, nếu doanh nghiệp chiếm dụng vốn hợp pháp thì có thể tận dụng nguồn vốn này cho mục đích kinh doanh khác. Ngược lại, nếu doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn thì sẽ gặp khó khăn nhất định về tài chính, hạn chế về khả năng thanh toán.
Nói tóm lại, từ các chính sách tín dụng mà doanh nghiệp áp dụng, các giải pháp huy động vốn,…làm nảy sinh công nợ trong doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp có trách nhiệm trong quản lý và sử dụng nguồn vốn hợp lý, theo dõi sát sao tình hình thanh toán công nợ và chi tiết theo từng đối tượng.
Phân loại công nợ trong doanh nghiệp
Công nợ phải thu là gì?
Là tài sản mà doanh nghiệp có quyền được đòi nợ thực tế là tiền vốn mà doanh nghiệp bị người khác chiếm dụng. Công nợ nhiều hay ít, thời gian chiếm dụng dài hay ngắn đều ảnh hưởng đến tình hình quay vòng vốn của doanh nghiệp và khả năng thu lợi của doanh nghiệp. Nguyên nhân hình thành công nợ phải thu chủ yếu do bán chịu tức doanh nghiệp cung cấp tín dụng cho khách hàng. Công nợ phải thu bao gồm:
Các khoản phải thu khách hàng: Quan hệ thanh toán giữa doanh nghiệp với khách hàng phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, vật tư, hàng hóa, cung cấp lao vụ, dịch vụ,…mà khách hàng đã nhận của doanh nghiệp nhưng chưa thanh toán tiền. Trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt và gay gắt như hiện nay. Nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và đứng vững không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp khác về chất lượng sản phẩm, dịch vụ,…mà còn cạnh tranh về chính sách ưu đãi trong thanh toán tiền hành đó là trả tiền sau khi mua hàng. Chính vì vậy đã hình thành nên các khoản phải thu khách hàng của doanh nghiệp.
Các khoản thu nội bộ: Là các khoản phải thu giữa đơn vị cấp trên với đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau trong đó có đơn vị cấp trên là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đơn vị cấp dưới là đơn vị thành viên phụ thuộc có tổ chức công tác kế toán riêng. Đối với đơn vị cấp trên, khoản phải thu nội bộ là khoản vốn, quỹ hoặc kinh phí đã cấp chưa thu hồi hoặc chưa quyết toán. Ở đơn vị cấp dưới, các khoản phải thu nội bộ thường là các khoản được cấp trên cấp nhưng chưa nhận được, khoản cho vay về vốn khấu hao,…
Tạm ứng: Là việc các bộ công nhân viên trong doanh nghiệp ứng trước một khoản tiền hoặc vật tư để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh hoặc giải quyết một công việc đã được phê duyệt.Sau khi thực hiện xong, cán bộ công nhân viên phải có trách nhiệm thanh toán tạm ứng với doanh nghiệp gồm các khoản tiền chi cho các công việc thuộc về công tác tổ chức hành chính, sự kiện, tạm ứng tiền tàu xe,…
Các khoản trả trước ngắn hạn: Là các chi phí thực tế phát sinh ở kỳ này nhưng liên quan đến nhiều kỳ sản xuất kinh doanh kế tiếp sau. Vì vậy, phải tính toán phân bổ cho nhiều kỳ sau nhằm làm cho chi phí giá thành tương đối ổn định giữa các kỳ.
Khoản tiền cầm cố, ký cược, ký quỹ: Cầm cố là việc doanh nghiệp mang tài sản, tiền vốn mình có giao cho người nhận cầm cố để vay vốn hoặc để nhận lại loại bảo lãnh. Tài sản cầm cố có thể là vàng, bạc, đá quý, xe hoặc giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà đất hoặc tài sản. Ký cược là việc doanh nghiệp đi thuê tài sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kỵ khí quý, đá quý,…nhằm mục đích ràng buộc và nâng cao trách nhiệm của người đi thuê tài sản phải quản lý, sử dụng tài sản đi thuê và hoàn trả đúng thời hạn. Ký quỹ là việc doanh nghiệp gửi một khoản tiền hoặc kim loại quý, đá quý hay các loại giấy tờ có giá trị vào tài khoản phong toả của ngân hàng để đảm bảo thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp.
Công nợ phải trả là gì?
Là các khoản nợ phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp phải trả cho đơn vị, tổ chức kinh tế, xã hội hoặc cá nhân, cụ thể:
Nợ ngắn hạn: Là các khoản tiền nợ mà doanh nghiệp phải trả cho các chủ nợ trong thời gian ngắn dưới 1 năm bao gồm các khoản mục như: vay ngắn hạn, nợ dài dài đến hạn trả, phải trả người bán,…
Nợ dài hạn: Là khoản tiền mà doanh nghiệp nợ các đơn vị cá nhân hoặc tổ chức kinh tế có thời hạn trên một năm gồm vay dài hạn cho đầu tư phát triển, nợ thuê mua tài sản cố định hay doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Nợ khác: Là các khoản phải trả như nhận ký quỹ, ký cược dài hạn, tài sản thừa chờ xử lý,…
Xem thêm:
» 05 Mẫu Luận Văn Thạc Sĩ Kế Toán Công Nợ Mới Nhất 2024
Quản lý công nợ là gì?
Quản lý công nợ được định nghĩa là quá trình quản lý và giám sát các khoản nợ phải thu của khách hàng, đối tác kinh doanh hoặc các khoản nợ phải trả cho nhà cung cấp khi phát sinh giao dịch nhập hàng, mua hàng. Có thể nói, quản lý công nợ bao gồm việc quản lý, giảm thiểu và thu hồi các khoản nợ phải thu để đảm bảo rằng doanh nghiệp có khả năng thanh toán nợ mà mình đã cam kết một cách hiệu quả. Quản lý công nợ hiệu quả là chìa khóa để doanh nghiệp có thể quản lý tài chính dễ dàng hơn.
Quản lý công nợ được chia thành 02 loại chính là quản lý các khoản công nợ phải thu của khách hàng và quản lý các khoản công nợ phải trả cho người bán, nhà cung cấp. Cụ thể:
- Quản lý công nợ phải thu là quản lý các khoản tiền mà doanh nghiệp đã bán sản phẩm hàng hóa/ dịch vụ của mình những vẫn chưa thu được tiền của khách hàng
- Quản lý công nợ phải trả là quản lý các khoản tiền mà doanh nghiệp đang vay/ đã mua nhưng chưa thanh toán cho người bán/ nhà cung cấp phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như thiết bị, vật tư, hàng hóa, dịch vụ…
Ý nghĩa công tác quản lý công nợ là gì?
Tình hình công nợ của doanh nghiệp là một trong những nội dung cơ bản mà nhà quản trị quan tâm, các khoản công nợ ít, không dây dưa kéo dài tác động tích cực đến tình hình tài chính, thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển. Các khoản công nợ tồn đọng nhiều dẫn đến tình trạng chiếm dụng vốn của nhau, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và làm cho hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.
Tình hình công nợ của doanh nghiệp ảnh hưởng đến khả năng thanh toán và hiệu quả sử dụng vốn nên cần thường xuyên phân tích tình hình công nợ và khả năng thanh toán trong mối quan hệ mật thiết để đánh giá chính xác tình hình tài chính doanh nghiệp với thực trạng như thế nào.
Công tác phân tích tình hình quản lý công nợ giúp nhà quản trị biết được cơ cấu các khoản nợ từ đó có biện pháp thu hồi công nợ phù hợp và đưa ra các cam kết trong hợp đồng với khách hàng chính xác hơn. Ngoài ra, việc này còn giúp nhà quản trị nhận diện các dấu hiệu rủi ro tài chính xuất hiện để đưa ra các biện pháp tích cực nâng cao mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh.
Thông qua việc phân tích tình hình quản lý công nợ phải thu, nhà quản trị có cơ sở đưa ra các điều khoản trong hợp đồng kinh tế có độ tin cậy cao nhằm giảm bớt vốn bị chiếm dụng. Đây cũng là cơ sở khoa học để hoàn thiện cơ chế tài chính, cơ chế thu, chi nội bộ phù hợp với đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Nội dung công tác quản lý công nợ
Phân tích khả năng thanh toán công nợ phải trả: Khả năng thanh toán của doanh nghiệp là nội dung thể hiện rõ nét chất lượng hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Nếu hoạt động diễn ra thuận lợi, lành mạnh và có chất lượng cao thì doanh nghiệp sẽ đảm bảo đủ và thừa khả năng thanh toán. Ngược lại, nếu hoạt động tài chính diễn ra không thuận lợi thì doanh nghiệp không đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ.
Một số chỉ tiêu về khả năng thanh toán gồm hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn, hệ số khả năng thanh toán nhanh, hệ số khả năng thanh toán tức thời, hệ số khả năng thanh toán tổng quát,…
Phân tích tình hình công nợ phải thu: Là các khoản phải thu của doanh nghiệp như phải thu từ khách hàng, phải thu từ người bán về việc cung ứng trước tiền,… khi phân tích, ta thường so sánh số cuối kỳ với số đầu kỳ hoặc qua nhiều thời điểm để thấy quy mô và tốc độ biến động của từng khoản phải thu, cơ cấu các khoản phải thu,…Kết quả phân tích này là cơ sở khoa học để các nhà quản trị đưa ra quyết định phù hợp với từng tài khoản cụ thể.
Phân tích tình hình công nợ phải trả: Các khoản phải trả gồm trả người bán, phải trả cán bộ công nhân viên, thuế nộp ngân sách,…khi phân tích thường so sánh số cuối kỳ với số đầu kỳ hoặc so sánh qua nhiều thời điểm liên tiếp để thấy được quy mô và tốc độ tăng giảm của từng khoản phải trả, cơ cấu từng khoản phải trả. Thông tin từ kết quả phân tích là cơ sở để nhà quản trị đưa ra quyết định thanh toán phù hợp nhằm nâng cao uy tín và hạn chế rủi ro tài chính cho doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung xoay quanh khái niệm công nợ là gì cũng như công tác quản lý công nợ tại doanh nghiệp. Để giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển bền vững, công tác quản lý công nợ cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Hy vọng những thông tin được đề cập trong bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình học tập & trong công việc. Nếu như bạn cần sự hỗ trợ liên quan đến viết thuê luận văn thạc sĩ kế toán công nợ, hãy liên hệ đến đội ngũ của Luận Văn Beta để được tư vấn nhanh chóng nhé!